Tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2021 và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021-2025, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, GS,TS. Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình cho biết, thời gian qua, Chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp…

Chương trình đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát các mô hình tổ chức xã hội nông thôn ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; những bài học kinh nghiệm xây dựng mô hình nông thôn mới trong thời gian qua để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, lộ trình, vai trò của các chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam gắn với đô thị hóa văn minh trong hội nhập quốc tế. Điểm nổi bật là các kết quả nghiên cứu vừa có tính khái quát toàn diện, vừa chuyên sâu vào một số lĩnh vực của nông thôn mới. Các nghiên cứu của Chương trình đã cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần vào định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và khung Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thúc đẩy triển khai chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (nguồn: MIC)

Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 đã phê duyệt được 84 nhiệm vụ, trong đó có 50 đề tài và 34 dự án. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020 là 585,76 tỷ đồng. Toàn bộ 4 mục tiêu của chương trình gồm: hoàn thiện cơ sở lý luận; hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp; xây dựng các mô hình chuyển giao và nâng cao nhận thức, trình độ đều được đáp ứng bằng số lượng hợp lý các đề tài, dự án tham gia trong các nhóm. Từ 84 nhiệm vụ, số đề tài, dự án tham gia nghiên cứu từng nhóm nội dung cộng lại lên tới trên 180 nhiệm vụ, tạo ra 339 sản phẩm mới; đề xuất 160 nhóm chính sách, giải pháp ở nhiều lĩnh vực; hoàn thiện 97 quy trình sản xuất và công nghệ để chuyển giao vào sản xuất…

Chương trình đã đạt được các chỉ tiêu đề ra với trên 70% đề tài, dự án có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành với 80 bộ tài liệu hoặc sổ tay hướng dẫn; 152 bài báo khoa học; 100% các nhiệm vụ có kết quả được cơ quan chuyên môn hoặc các địa phương tiếp nhận, đưa vào thực tế xây dựng nông thôn mới. Hầu hết các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều có doanh nghiệp đầu tư (vốn đối ứng); trên 60% mô hình có triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là đối với nhóm sản phẩm chủ lực các cấp. Các mô hình đều chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, phù hợp với các vùng miền. Hầu hết các mô hình sản xuất đều tăng được hiệu quả từ 25% trở lên và góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên 20% trong phạm vi dự án.

Đáng chú ý, Chương trình đã có tác động rõ rệt đến kết quả thực hiện 12 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó tác động rõ rệt nhất là các tiêu chí về thu nhập; việc làm; quy hoạch; thuỷ lợi; môi trường và chất lượng sản phẩm; văn hoá; chính trị và tiếp cận Pháp luật. Các tác động này đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua và tạo động lực, giá trị khoa học công nghệ để thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm tiếp theo.

Liên quan đến hướng tiếp tục phát huy sức mạnh của KH&CN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn; tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thành lập vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm…/.