Thí sinh vẫn lúng túng, hoang mang trong cuộc đua chọn trường
Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng quá tải ở các trường sẽ xảy ra khi thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 dành cho thí sinh sắp kết thúc
Cuộc chạy đua “rút-nộp” hồ sơ
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 từ 01/07-20/08/2015. Theo đó, trong hơn 1 tháng nay phụ huynh, học sinh và các trường trong một cuộc chạy, đua về “rút-nộp” hồ sơ chọn trường thích hợp.
Ở một số trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, việc “rút-nộp” hồ sơ đang ở giai đoạn cao điểm. Tính đến hết ngày 17/08, Trường Đại học Sài Gòn có 13.462 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó có 6.297 thí sinh xin rút hồ sơ. Như vậy, số hồ sơ còn lại là 7.165 trong khi trường chỉ có 4.000 chỉ tiêu.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được khoảng 10.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển và sau mỗi ngày lại có nhiều thí sinh đạt điểm cao hơn nộp hồ sơ, đẩy điểm chuẩn dự kiến của trường này lên đến đỉnh điểm, đến mức dù có đạt 3 điểm 8,5 cũng khó lòng đậu vào ngành “hot” nhất của trường này (Công nghệ thông tin). Điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn thí sinh phải “tháo chạy” khỏi trường này.
Trước tình trạng thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ diễn ra ở nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng quá tải ở các trường sẽ xảy ra khi thời gian nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 dành cho thí sinh sắp kết thúc.
Áp lực không chỉ dồn lên các thí sinh, mà còn dồn lên các trường đại học, đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị tốt về nhân lực cho quá trình tiếp nhận và trả hồ sơ. Bởi, một bộ phận thí sinh chưa nộp hồ sơ xét tuyển, vẫn dành thời gian để theo dõi tình hình và khi thời gian sắp hết sẽ quyết định đi nộp.
Đồng thời, một số lượng không nhỏ những em đã nộp hồ sơ, đến giai đoạn cuối xác định được mình không có khả năng đỗ sẽ kéo nhau đến các trường đại học để rút hồ sơ, rồi đi nộp ở một đại học khác.
Liệu thí sinh có chọn đúng trường, đúng ngành?
Sự việc không chỉ dừng lại ở chạy đua “rút-nộp” hồ sơ, mà điều đáng lo hơn là các thí sinh thực sự lúng túng, hoang mang trong lựa chọn trường thích hợp với sở thích, cũng như năng lực của mình. Tính đến 17h00 ngày 17/08, hàng loạt trường Đại học đã công bố điểm chuẩn dự kiến của mình. Tuy nhiên, không ai dám chắc đây sẽ là điểm chuẩn được chốt cuối cùng, vì lượng hồ sơ rút ra - nộp vào vẫn đang có nhiều biến động.
Tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngày 17/08 là ngày lượng thí sinh đến rút hồ sơ ra cao nhất trong các ngày, tuy nhiên vẫn có thí sinh nộp hồ sơ vào. Trường này cũng đã công bố điểm chuẩn dự kiến của 2 ngành cao nhất Y đa khoa và bác sĩ Răng hàm mặt là 27 điểm trở lên; Trường Đại học Dược đưa ra điểm chuẩn dự kiến hiện ở mức 26,75; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, ngành Kinh tế đối ngoại có điểm chuẩn dự kiến cao nhất là 27, 25. Ngành thấp nhất có điểm chuẩn là 24. Tại một số trường ở top giữa, như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Công đoàn, điểm chuẩn dự kiến có những ngành chỉ dao động từ 15-16.
Tuy nhiên, đến ngày 18/8, điểm chuẩn của nhiều trường tiếp tục tăng. Điển hình như, Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 18/08, điểm chuẩn tạm thời của nhiều ngành tiếp tục tăng 0,25 điểm so với ngày trước đó; Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), điểm chuẩn tạm thời hầu hết các ngành đều tăng 0,25 điểm so với ngày trước đó. Điều này khiến các thí sinh, phụ huynh càng hoang mang, lo lắng.
Theo cô Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên- Trường Đại học Thủy lợi, rất nhiều thí sinh, phụ huynh đặt câu hỏi: “với mức điểm này em có thể đỗ vào ngành này hay không?”, nhưng thực sự đó là câu hỏi rất khó trả lời vì chính nhà trường cũng không biết được đáp án chính xác.
“Mọi năm, trường chỉ tính điểm chuẩn nguyện vọng một trên các thí sinh đã đăng ký vào trường từ trước, còn năm nay, lại phụ thuộc vào các thí sinh đăng ký, mà thí sinh còn đăng ký đến hết ngày mai. Chúng tôi chỉ có thể trả lời các em là đến thời điểm này, với điểm số đó, các em có đang nằm trong vòng an toàn hay không, mức an toàn cao hay thấp,” cô Giang chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn của trường định nộp hồ sơ ở các năm trước. Nếu thấy điểm của mình cao hơn 1-2 điểm thì hãy nộp. Thí sinh cũng không nên vào đại học bằng mọi giá. Rất nhiều em học cao đẳng, trung cấp vẫn thành đạt. Khi chọn nghề, các em cần lưu ý những nghề mà quê mình có thể ứng dụng được, như: cơ khí, nông-lâm-ngư... chứ không nên đổ xô vào nhóm ngành kinh tế./.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian để thí sinh rút, nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng một vào các trường sẽ kết thúc vào cuối giờ chiều ngày 20/8. Trước ngày 25/8, các trường sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển nguyện vọng một. |
Bình luận