"Phải dùng miệng để kiểm tra chất lượng của phân bón"

Chiều 17/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bày tỏ lo lắng tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng gia tăng đã làm ảnh hưởng rất lớn sản xuất trong nước. Vì vậy, đại biểu Khá đặt câu hỏi liệu vào cuối năm 2015, tình trạng buôn lậu, hàng giả sẽ giảm được bao nhiêu so với năm 2014.

Bộ trưởng Hoàng thừa nhận đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay mặc dù các lực lượng chức năng đã hoạt động hết sức cố gắng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường cũng đã làm hết các biện pháp để chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm, cá nhân tôi cũng đã thừa nhận trách nhiệm trong hạn chế này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Mặc dù ngành quản lý thị trường và các ngành khác, như: thuế, công an, biên phòng đã nỗ lực nhưng kết quả đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Số vụ việc về gian lận thương mại, năm sau đều cao hơn năm trước. Số vụ xử lý vi phạm cũng cao hơn năm trước.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, sau 10 tháng năm 2014, số vụ xử lý vi phạm gian lận thương mại do quản lý thị trường xử lý cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 là 12%-14%. Tuy nhiên tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Hoàng lý giải nguyên nhân do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng cao, nền kinh tế mở cửa. Bởi vậy, giao thương hàng hóa tỷ trọng ngày càng tăng. Đi liền với việc giao thương hàng hóa tăng, một số phần tử trong nước và ngoài nước làm ăn không chính đáng lợi dụng sự mở cửa của nước ta để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào lưu thông.

Bên cạnh đó, Bộ trường cũng thừa nhận công tác đấu tranh các cán bộ quản lý thị trường còn yếu. Lực lượng quản lý thị trường đã có nhiều cố gắng nhưng về phương tiện công vụ vừa yếu lại thiếu, trang thiết bị chưa đầy đủ, nên đấu tranh chống gian lận thương mại chưa đạt hiệu quả cao.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, “đi kiểm tra mà thiếu thiết bị kiểm nghiệm, thiếu trang thiết bị để đánh giá chất lượng. Thậm chí, để có thể xác định chất lượng phân bón trên thị trường, ở khá nhiều nơi, anh em chi cục quản lý thị trường phải thử bằng miệng. Tức là dùng miệng để kiểm tra chất lượng của phân bón. Đây là hiện tượng có thật”.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ công thương cũng cho rằng không loại trừ trong đội ngũ quản lý thị trường có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí là bao che cho các hành vi sai phạm.

Ngoài ra để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả cao thì phải nhắc tới sự phối hợp của các địa phương. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác quản lý thị trường còn chưa nhất quán nên chưa đạt hiệu quả.

Theo hệ thống quản lý, lực lượng quản lý thị trường thuộc biên chế của sở công thương. Trong khi đó, sở công thương lại trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Vì vậy, sự vào cuộc của các địa phương là hết sức quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, không thể cam kết giảm tỷ lệ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cụ thể bao nhiêu phần trăm nhưng chắc chắn sẽ cải thiện tình hình này. “Không có lý do gì để không tin rằng hiệu quả của việc chống gian lận thương mại sẽ được cải thiện hơn trong năm 2015 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Khá tiếp tục xin đặt câu hỏi cần tiếp tục làm rõ. “Phân bón kiểm định bằng miệng thì thuốc trừ sâu kiểm định bằng gì?".

Bộ trưởng Hoàng cho rằng, việc lấy hình ảnh này chỉ mang tính chất ví dụ cho việc đội ngũ cán bộ quản lý thị trường thiếu công cụ để kiểm tra chất lượng hàng hóa. Không chỉ phân bón vô cơ mà còn hàng hóa khác như thực phẩm, hàng hóa có liên quan đến sức khỏe của nhân dân.

“Vừa quan Bộ Công Thương có kiến nghị để Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét bổ sung thiết bị cho ngành quản lý thị trường từng bước nhưng phải nói rằng vẫn còn rất thiếu thốn, khó khăn”, Bộ trưởng Hoàng nói.

“Doanh nghiệp trong nước vẫn kiểm soát thị trường bán lẻ’

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh), cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op), đặt câu hỏi với người đứng đầu Bộ Công Thương: “Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang lấn át doanh nghiệp trong nước như liên tục thâu tóm, sáp nhập hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối trong nước sẽ như thế nào, việc tiêu thụ hàng hóa Việt Nam sẽ ra sao khi không làm chủ hệ thống phân phối? Bộ trưởng có giải pháp để giữ hệ thống phân phối bán lẻ trong nước?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thị trường bán lẻ được mở cửa cho doanh nghiệp nhưng theo lộ trình để doanh nghiệp trong nước có thể cạnh tranh được.

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Theo đó, Việt Nam cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia hệ thống phân phối nhưng phải liên doanh với doanh nghiệp trong nước, với tỷ lệ chi phối cao nhất không được vượt quá 49%. Năm 2009, doanh nghiệp nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp phân phối với 100% nước ngoài.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho hay, đối với nhà bán lẻ nước ngoài, sau khi mở cơ sở bán lẻ thứ nhất, nếu muốn mở cơ sở thứ 2 trở đi thì phải báo cáo hiệu quả kinh tế, trên cơ sở đó cơ quan chức năng Việt Nam mới cấp phép.

“Trong đàm phán sắp tới đây, chúng ta cũng giữ nguyên tắc này, tức là mở cửa từ từ, có lộ trình. Hiện chúng ta có tới 900 cơ sở bán lẻ nhưng chỉ có 70 cơ sở của nước ngoài, còn trong nước chi phối hơn 800 cơ sở phân phối. Cho nên tỷ lệ cơ sở bán lẻ của nước ngoài không nhiều”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông cũng nhận định thêm, “đúng là có lo lắng khi nước ngoài mở nhiều cửa hàng phân phối nhưng thực tế chứng minh là doanh nghiệp trong nước cũng làm được một số việc và đang chiếm thế áp đảo”.

Thiếu cơ chế cho những “Hai lúa” phát huy sức sáng tạo

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) nêu vấn đề vào năm 2007, Bộ Công nghiệp đã quyết định về quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến 2010, tầm nhìn năm 2020. Trong đó xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá để phát triển nhanh công nghiệp trong nước.

“Tuy nhiên, hiện nay công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn không phát triển. Có phải Việt Nam thiếu chính sách cụ thể thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trách nhiệm Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng tới đâu trong việc này?”, đại biểu Đồng Hữu Mạo đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua còn chậm. Một số đại biểu kỳ họp nào cũng nêu, đề xuất Chính Phủ sớm có cơ chế khuyến khích lĩnh vực này.

“Chính sách chúng ta có quan tâm nhưng do cấp độ pháp lý của những chính sách này này còn đang thấp, chưa đạt yêu cầu. Hiện tại, chưa có nghị định về vấn đề này và nhiều đại biểu đề xuất cần phải có luật về công nghiệp hỗ trợ”, Bộ trưởng Công thương lý giải.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phát triển những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phát triển quy mô sản xuất phải lớn đủ để cạnh tranh thì giá thành sẽ giảm.

“Ví dụ với công nghiệp sản xuất ô tô, theo tính toán, 1 năm các cơ sở trong nước chỉ sản xuất, lắp ráp 70.000 xe của tất cả các chủng loại nên khó có doanh nghiệp nào có thể đứng ra cung cấp linh kiện, phụ tùng cho hơn 10 hãng xe khác nhau. Theo thống kê, nếu sản lượng 100.000 xe ô tô thì doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ mới phát triển”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đưa ra ví dụ.

Trong khi đó, công nghiệp dệt may, da giầy lại có lệ nội địa hóa khá cao. Ngành dệt may đã tự lo 50% nguyên phụ liệu trong nước, trong khi đó ngành da giầy lo được 60% nguyên liệu trong nước.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng, với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, sự phân công trong chuỗi sản xuất đi vào quy trình. Các tập đoàn đa quốc gia đã sử dụng chuỗi các doanh nghiệp vệ tinh để cung cấp nguyên liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam đang yếu, chưa có kinh nghiệm nên không thể chen chân vào chuỗi cung ứng này.

“Công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi con người trình độ cao nhưng chúng ta đang thiếu”, Bộ trưởng Công thương nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) đặt vấn đề: "Phải chăng Bộ Công Thương chưa có chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ nên những nông dân “Hai lúa” trọng vọng ở nước ngoài nhưng bị bó buộc ở Việt Nam?”.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận thẳng thắn, chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ là có nhưng cơ chế pháp lý còn yếu. Bộ trưởng Hoàng cũng mong Quốc hội xem xét năm 2015, ban hành riêng một luật về công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ ngành này phát triển.

Bên cạnh, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, luôn khuyến khích những nhà sáng chế nông dân có những đóng góp cho đời sống sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có nhiều chính sách để khuyến khích những người nông dân Việt Nam tham gia sản xuất, cải tiến các sản phẩm phục vụ lao động sản xuất./.