Iceland, cùng với Nhật Bản và Na Uy, là một trong những quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang cho phép săn bắt cá voi, bất chấp lệnh cấm từ săn cá voi thương mại từ Ủy ban Cá voi Quốc tế và sự chỉ trích dữ dội từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Vào tháng 12/2023 tới đây, giấy phép về hạn ngạch săn bắt 161 con cá voi một mùa tại Iceland sẽ chính thức hết hạn, đây là dấu mốc lịch sử khiến nhiều chính trị gia và nhà hoạt động môi trường kỳ vọng vào sự kết thúc nạn săn bắt cá voi tại đất nước này [2].

Săn bắt cá voi [3]
Săn bắt cá voi [3]

Ông Loftsson – người đứng đầu doanh nghiệp săn bắt cá voi thương mại cuối cùng tại Iceland lại không hề lo lắng về phán quyết này, dù nhiều người cho rằng nó có thể khiến doanh nghiệp của ông lao đao. Ông tin tưởng vào việc mình vẫn có thể tiếp tục đánh bắt vào năm sau và đưa ra những lập luận của riêng mình khi bị cáo buộc phá hoại môi trường.

Ông cho rằng, việc đánh bắt không làm cá voi tuyệt chủng vì có tới 40,000 cá thể cá voi trên khắp Iceland và doanh nghiệp của ông chỉ săn bắt 161 con mỗi mùa, thậm chí ông tin rằng: “Chúng tôi có thể đánh bắt mãi mãi”.

Thêm vào đó, nếu Iceland tiếp tục giữ luật cho phép đánh bắt cá voi, ông tin rằng mình có cơ hội “thay đổi cuộc chơi” bằng cách bán cái chết của cá voi như một khoản tín dụng carbon. Ông lý giải rằng phân của cá voi giúp giảm thải CO2 thông qua việc kích thích sự sinh trưởng của các loại sinh vật biển và phù du. Tuy nhiên, lượng CO2 cá voi thải ra qua lỗ khí của nó còn vượt cả số này. Vì vậy, ông cho rằng mình cần được ghi công vì giúp giảm thải CO2 từ loài cá voi, bởi vì thông thường mỗi con ông đánh bắt chỉ khoảng 26 tuổi trong khi tuổi thọ của cá voi lên tới 70 tuổi [3]. Nghĩa là với mỗi con cá voi ông săn bắt được, ông đã giúp cắt giảm một nguồn phát thải CO2 trong 44 năm tiếp theo từ cá thể cá voi đấy.

Có thể hiểu rằng, đối với ông Loftson, việc giết cá voi không chỉ giúp giảm phát phải CO2 và mà còn có thể kinh doanh bằng việc bán tín dụng carbon [4]. Thực tế thì mỗi loài vật trên trái đất đều phát thải CO2 trong quá trình sinh trưởng và đều gây ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí con người là loài gây phát thải nhiều nhất không chỉ qua phân mà còn qua các hoạt động khai thác và phát triển kinh tế. Nếu lập luận của ông Loftson là xác đáng thì có lẽ vận mệnh của con người đang trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết, vì những tên sát thủ giết người giờ đây sẽ đòi được ghi công vì giúp giảm phát thải và kiếm được thêm thu nhập từ việc bán tín dụng carbon.

Đương nhiên viễn cảnh trên sẽ không thể xảy ra vì pháp luật sẽ bảo vệ con người khỏi những tên sát nhân, nhưng tương lai của cá voi ở những quốc gia cho phép săn bắt như Iceland sẽ như thế nào? Để ngăn việc phá hoại môi trường nhằm đổi lấy lợi ích kinh tế, cần có các cơ chế phù hợp để bảo vệ các loài động vật và môi trường nói chung tuân theo nguyên lý bán dẫn trao đổi giá trị môi sinh-tiền tệ [5], nghĩa là giá trị thặng dư môi trường có thể quy đổi ra giá trị kinh tế, nhưng chiều ngược lại thì không. Nếu không thì thị trường carbon sẽ tồn tại những lỗ hổng khiến cho nỗ lực bảo vệ môi trường ở nơi này nhưng lại dẫn đến tàn phá môi sinh ở nơi khác. Sự tàn phá này có thể còn nguy hại hơn khi nó được hợp thức hóa bởi cơ chế của thị trường carbon. “Có phải con người đang ở trong một mối quan hệ độc hại và lạm dụng với thiên nhiên? Tình yêu này thật kỳ lạ” [6]

Dù nghề săn bắt cá voi đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và cuộc sống của người dân Iceland, nhưng việc đặt con người và lợi ích lên trên giá trị môi trường, đi ngược lại với văn hóa thặng dư sinh thái [7,8]. Việc này có thể đẩy những thế hệ tiếp theo, người mà chúng ta yêu quý, đến tương lai tăm tối hơn khi thảm họa môi trường trở nên phổ biến do môi sinh và đa dạng sinh học bị tàn phá.

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] WWF. Species - Whale https://www.worldwildlife.org/species/whale

[2] Kirby, P. (2023, Aug. 31). Whale hunting resumes in Iceland under strict rules. https://www.bbc.com/news/world-europe-66676269

[3] Boffey, D. (2023, Oct. 13). ‘We can carry on for ever’: meet Iceland’s last whale hunter. https://www.theguardian.com/environment/2023/oct/13/the-last-whaler-we-can-hunt-forever-says-iceland-kristjan-loftsson

[4] Phương, L. V., & Hoàng, N. M. (2023, Oct. 2) Thách thức của quá trình xây dựng các tiêu chuẩn cho thị trường carbon tự nguyện. https://kinhtevadubao.vn/thach-thuc-cua-qua-trinh-xay-dung-cac-tieu-chuan-cho-thi-truong-carbon-tu-nguyen-27216.html

[5] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

[6] Vuong, Q. H. (2023). Meandering Sobriety. https://www.amazon.com/dp/B0C2RZDW85

[7] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[8] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Predictors of support for biodiversity loss countermeasure and bushmeat consumption among Vietnamese urban residents. Conservation Science and Practice, 4(12), e12822. https://doi.org/10.1111/csp2.12822