Tưởng Thị Nhị Nguyệt, Học viện Ngân hàng

Email: nhinguyet2203@gmail.com

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố tác động đến quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng tại khu vực miền Bắc. Thông qua quá trình xử lý dữ liệu khảo sát bằng cách sử dụng phương pháp định lượng và phần mềm SPSS, nghiên cứu đã xác định được 5 yếu tố chính có ảnh hưởng, bao gồm: Nhóm tư vấn; Giá sản phẩm; Thương hiệu sản phẩm; Chất lượng sản phẩm và Xúc tiến thương mại. Kết quả này giúp Doppelherz Việt Nam phát hiện và đánh giá được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tới quyết định mua của khách hàng và giúp tác giả đề xuất giải pháp phù hợp nhằm gia tăng quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

Từ khóa: Doppelherz, quyết định mua, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Summary

The study aims to analyze the factors affecting the customers' decision to buy Doppelherz health protection food in the Northern region. Through processing survey data using quantitative methods and SPSS software, the study identifies 5 main influencing factors, including Consulting group; Product price; Product brand; Product quality, and Trade promotion. This result helps Doppelherz Vietnam detect and evaluate the influence of factors on customers' purchasing decisions and helps the author propose appropriate solutions to increase customers' decision to buy Doppelherz health protection food.

Keywords: Doppelherz, purchasing decision, health protection food

Đặt vấn đề

Theo thống kê, trên thị trường Việt Nam hiện nay có hơn 30.000 loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp giấy phép lưu hành bởi các cơ quan chức năng, trong đó hơn 70% là các sản phẩm được sản xuất ở trong nước. Sự phong phú của các sản phẩm trên thị trường, bên cạnh việc đem đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng, còn tạo ra sự cạnh tranh giữa các sản phẩm. Với mục tiêu phát triển và tiếp tục xây dựng các chiến lược phù hợp ở thị trường cạnh tranh như Việt Nam, Doppelherz cần nhận diện các yếu tố có tác động đến quyết định mua sản phẩm của thương hiệu mình đối với khách hàng là những người tiêu dùng cuối cùng. Dựa trên kết quả nghiên cứu thu được, Doppelherz Việt Nam sẽ có góc nhìn đa dạng về xu hướng mua sản phẩm của khách hàng, từ đó có thể đưa ra những giải pháp, chiến lược phù hợp với tình hình thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe cạnh tranh. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn góp phần bổ sung cơ sở lý thuyết về quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Quá trình ra quyết định mua

Theo Philip Kotler (2001), quá trình ra quyết định mua bao gồm 5 bước: khách hàng nhận biết nhu cầu với sản phẩm, khách hàng tiến hành tìm kiếm thông tin, khách hàng đánh giá lựa chọn, khách hàng quyết định mua sản phẩm và hành vi sau mua sản phẩm của khách hàng. Trong đó, bước đánh giá lựa chọn, quyết định mua và hành vi mua có ảnh hưởng qua lại với nhau.

Nghiên cứu của Babu (2008) về các yếu tố tác động của người dân ở Bangladesh khi ra quyết định mua thực phẩm bổ sung, với 280 mẫu cho thấy, chỉ có 2 yếu tố là Thương hiệu, Kinh nghiệm sử dụng có tác động tới Quyết định mua của người dân ở đây, trong khi những yếu tố khác không có tác động.

Mô hình của Peeter Villako (2012) nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua thuốc không kê đơn của người tiêu dùng tại nhà thuốc cộng đồng tại Tallinn Estonia chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua của khách hàng bao gồm: Nhóm ảnh hưởng, Truyền thông quảng cáo, Giá sản phẩm, Dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của nhóm tư vấn trong việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khách hàng.

Mô hình nghiên cứu của Mittal (2010) với 475 mẫu khảo sát các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng ở Punjab cho thấy, có 6 yếu tố tác động tới quyết định bao gồm: Sự đa dạng sản phẩm, Dịch vụ khách hàng, Sự thuận tiện, Giá sản phẩm, Chất lượng sản phảm và Xúc tiến thương mại.

Nghiên cứu của Zhou (2012) chi ra rằng, 5 yếu tố tác động tới quyết định của người tiêu dùng gòm: Giá sản phẩm, Bao bì sản phẩm, Lòng tin vào nhà sản xuất, Chất lượng sản phẩm, Lòng tin vào điểm bán sản phẩm (3 yếu tố phụ là Hình thức điểm bán, Chất lượng dịch vụ, Chất lượng sản phẩm).

Mô hình nghiên cứu đề xuất

Trên cơ sở kế thừa lý thuyết và các mô hình nghiên cứu ở trên, tác giả xây dựng mô hình các yếu tố tác động tới quyết định mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng trên địa bàn các tỉnh miền Bắc như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz  của khách hàng miền Bắc

Nguồn: Tác giả nghiên cứu đề xuất

Trên cơ sở mô hình nghiên cứu, các giả thuyết được đưa ra như sau:

H1: Giá sản phẩm có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

H2: Chất lượng sản phẩm tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

H3: Đa dạng sản phẩm có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

H4: Nhóm ảnh hưởng có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

H5: Xúc tiến thương mại có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

H6: Thương hiệu có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành trong khoảng thời gian từ tháng 6-9/2024, sử dụng hình thức chọn mẫu thuận tiện khảo sát khách hàng cá nhân trực tiếp mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz thông qua bảng hỏi. Dữ liệu phỏng vấn sẽ được xử lý, sau đó tiến hành đánh giá độ tin cậy (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích tương quan hồi quy, phương sai ANOVA thông qua phần mềm SPSS 20.0. Theo Hair và cộng sự (2010), khi phân tích EFA, kích thước mẫu tối thiểu là 50, tốt hơn là 100 và tỷ lệ biến quan sát/biến khái niệm đo lường là 5:1, có nghĩa là một biến quan sát cần ít nhất 5 quan sát. Trong nghiên cứu này, tổng số biến quan sát là 25, kích thước mẫu cần thiết, hợp lệ ít nhất cần phải đạt là 5 x 25 = 125 mẫu. Kết quả thu được gồm 350 phản hồi, trong đó có 20 phản hồi bị loại do thiếu thông tin và thu được 330 phản hồi hợp lệ.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu

Đánh giá độ tin cậy thang đo

Kết quả Bảng 1 cho thấy, Cronbach’s Alpha của các thang đo đều đáp ứng yêu cầu với hệ số α > 0.6 và các hệ số tương quan biến tổng của thang đo đều lần lượt > 0.3. Các biến quan sát của các thang đo này đều được giữ lại tiếp tục phân tích EFA.

Bảng 1: Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo

Biến quan sát

Trung bình thang đo nếu loại biến

Phương sai thang đo nếu loại biến

Tương quan biến tổng

Hệ số Cronbach's Alpha nếu loại biến

Giá sản phẩm: Cronbach's Alpha = 0.753

P1

6.624

2.880

0.544

0.712

P2

6.718

2.671

0.607

0.641

P3

6.900

2.704

0.594

0.656

Chất lượng sản phẩm: Cronbach's Alpha = 0.781

Q1

10.530

5.374

0.551

0.746

Q2

10.470

5.089

0.630

0.706

Q3

10.739

4.941

0.596

0.723

Q4

10.606

5.066

0.571

0.736

Đa dạng sản phẩm: Cronbach's Alpha = 0.740

D1

6.888

2.860

0.561

0.660

D2

6.785

2.832

0.566

0.654

D3

6.727

2.783

0.568

0.652

Nhóm tư vấn: Cronbach's Alpha = 0.819

R1

9.840

6.105

0.623

0.780

R2

9.570

6.100

0.609

0.787

R3

10.010

6.359

0.592

0.794

R4

9.990

5.808

0.742

0.725

Xúc tiến thương mại: Cronbach's Alpha = 0.857

M1

12.950

9.235

0.743

0.808

M2

13.220

9.512

0.730

0.812

M3

13.060

9.678

0.659

0.831

M4

12.480

10.348

0.586

0.848

M5

12.940

9.717

0.645

0.835

Thương hiệu: Cronbach's Alpha = 0.754

B1

7.020

3.054

0.572

0.684

B2

7.140

2.969

0.571

0.686

B3

6.990

2.954

0.606

0.645

Quyết định mua TPBVSK Doppelherz: Cronbach's Alpha = 0.795

C1

7.520

3.199

0.648

0.709

C2

7.440

3.287

0.634

0.724

C3

7.590

3.069

0.631

0.728

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Phân tích EFA

Kết quả phân tích lần 1 cho ra 22 quan sát, trong đó có 3 quan sát tải lên ở cả 2 nhân tố. Biến R4 tải lên ở 2 nhân tố Component 1 (hệ số tải là 0.654) và Component 5 (hệ số tải là 0.632), mức chênh lệch hệ số tải 0.022 < 0.2. Tương tự với biến M2 tải lên ở 2 nhân tố Component 1 và Component 2, biến M1 tải lên ở 2 nhân tố Component 1 và Component 3 đều có mức chênh lệch hệ số tải < 0.2. Tác giả loại biến xấu M1 và đưa số biến còn lại vào phân tích EFA lần 2.

Ở lần phân tích 2 cho ra kết quả 21 quan sát, trong đó 2 quan sát tải lên ở cả 2 nhân tố. Biến R4 tải lên ở 2 nhân tố Component 1 và Component 4, biến M2 tiếp tục tải lên ở 2 nhân tố Component 1 và Component 2. Cả 2 biến này có mức chênh lệch hệ số tải < 0.2. Tác giả loại lần lượt tiếp biến xấu M2 và đưa số biến còn lại vào phân tích EFA lần 3.

Ở lần 3, chỉ còn 20 quan sát, nhưng vẫn xuất hiện biến R4 tiếp tục tải lên ở 2 nhân tố Component 1 và Component 3, mức chênh hệ hệ số tải 0.09 < 0.2. Vì vậy, tác giả tiếp tục loại biến xấu M2 và phân tích EFA lần 4 với các biến còn lại. Kết quả phân tích chỉ ra 19 quan sát của thang đo phân tán thành 6 thành tố. Các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố (trọng số) > 0.5, nên các biến quan sát này đều có ý nghĩa. Hệ số KMO = 0.855 > 0.5 và KMO < 1.0, cho thấy phân tích EFA phù hợp với dữ liệu. Trong kiểm định Bartlett, giá trị của thống kê Chi-Square với Sig. = 0 < 0.05, cho thấy các biến quan sát có tương quan với nhau trong nhân tố. Tổng phương sai trích (TVE) = 65.120% > 50% cho biết 6 thành tố rút trích ra giải thích được 65.120% dữ liệu. Điểm dừng (Eigenvalue) = 1.062 > 1, thang đo được chấp nhận.

Bảng 2: Kết quả phân tích EFA

1

2

3

4

5

6

Q1

.774

Q2

.723

Q3

.714

Q4

.662

P3

.789

P2

.780

P1

.760

B2

.779

B3

.763

B1

.761

D2

.816

D3

.803

D1

.788

R3

.777

R1

.747

R2

.703

M3

.789

M4

.734

M5

.718

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 3: Kết quả phân tích tương quan

C

P

Q

D

R

M

B

C

Hệ số tương quan

1

.597**

.573**

.115*

.662**

.472**

.538**

Mức ý nghĩa

.000

.000

.037

.000

.000

.000

P

Hệ số tương quan

.597**

1

.396**

.039

.382**

.387**

.303**

Mức ý nghĩa

.000

.000

.483

.000

.000

.000

Q

Hệ số tương quan

.573**

.396**

1

.146**

.506**

.401**

.422**

Mức ý nghĩa

.000

.000

.008

.000

.000

.000

D

Hệ số tương quan

.115*

.039

.146**

1

.192**

.102

.214**

Mức ý nghĩa

.037

.483

.008

.000

.065

.000

R

Hệ số tương quan

.662**

.382**

.506**

.192**

1

.364**

.383**

Mức ý nghĩa

.000

.000

.000

.000

.000

.000

M

Hệ số tương quan

.472**

.387**

.401**

.102

.364**

1

.378**

Mức ý nghĩa

.000

.000

.000

.065

.000

.000

B

Hệ số tương quan

.538**

.303**

.422**

.214**

.383**

.378**

1

Mức ý nghĩa

.000

.000

.000

.000

.000

.000

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Tác giả tiến hành phân tích phân tích tương quan giữa biến độc lập và biến phụ thuộc trước khi phân tích hồi quy tuyến tính (Bảng 3). Các biến độc lập gồm có: Giá sản phẩm (P); Chất lượng sản phẩm (Q); Đa dạng sản phẩm (D); Nhóm tư vấn (R); Xúc tiến thương mại (M); Thương hiệu (B) và Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz (C) là biến phụ thuộc. Kết quả Sig. kiểm định tương quan giữa các biến độc lập P, Q, R, M, B với biến phụ thuộc C < 0.05 chứng tỏ có mỗi liên hệ tuyến tính giữa 5 biến độc lập P, Q, R, M, B với biến phụ thuộc C. Riêng biến độc lập D có Sig. > 0.05, biến độc lập D không tương quan với biến phụ thuộc C.

Kiểm định mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Bảng 4: Tóm tắt mô hình hồi quy

Mô hình

R

R2

R2 hiệu chỉnh

Sai số ước lượng

Durbin-Waston

1

0.812

0.660

0.654

0.498

2.012

a Biến độc lập: (Hằng số), B, D, P, M, R, Q

b Biến phụ thuộc: C

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Kết quả kiểm định sự phù hợp của mô hình (Bảng 4) cho thấy, R2 = 66% có nghĩa là 66% sự biến thiên của C (Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz) được giải thích bởi sự biến thiên của 6 biến độc lập.

Bảng 5: Kiểm định mức độ phù hợp của mô hình

Mô hình

Tổng bình phương

Bậc tự do (df)

Trung bình bình phương

F

Sig.

1

Hồi quy

155.629

6

25.938

104.521

.000b

Phần dư

80.156

323

0.248

Tổng

235.785

329

a. Biến độc lập: (Hằng số), B, D, P, M, R, Q

b. Biến phụ thuộc: C

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 5 cho thấy, kiểm định F với giá trị F = 104.521; Sig. = 0.000 < 0.05 chứng tỏ mô hình hồi quy tuyến tính phù hợp với dữ liệu và sử dụng được.

Bảng 6: Kết quả phân tích hồi quy bội

Mô hình

Hệ số hồi quy

chưa chuẩn hóa

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

Kiểm tra đa cộng tuyến

B

Sai số chuẩn

Beta

Độ chấp nhận

VIF

1

(Constant)

-.178

.193

-.921

.358

P

.324

.041

.301

8.005

.000

.747

1.339

Q

.172

.047

.148

3.631

.000

.634

1.577

D

-.048

.036

-.045

-1.337

.182

.935

1.070

R

.382

.042

.366

9.167

.000

.662

1.511

M

.093

.042

.084

2.203

.028

.731

1.368

B

.230

.039

.222

5.842

.000

.726

1.377

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Dựa theo kết quả phân tích với các hệ số hồi quy, có thể thấy, Đa dạng sản phẩm (D) có Sig. > 0.05 khẳng định biến D không có sự tác động lên biến phụ thuộc Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz (C). Các biến độc lập khác, như: Giá sản phẩm (P), Chất lượng sản phẩm (Q), Nhóm tư vấn (R), Xúc tiến thương mại (M), Thương hiệu (B) đều có tác động cùng chiều với biến phụ thuộc Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz (C). Mức độ tác động của các biến độc lập được sắp xếp theo thứ tự giảm dần như sau: Nhóm tư vấn (R) với β = 0.366, Giá sản phẩm (P) với β = 0.301, Thương hiệu (B) với β = 0.222, Chất lượng sản phẩm (Q) với β = 0.148, Xúc tiến thương mại (M) với β = 0.084. Như vậy, các giả thuyết được chấp nhận ở độ tin cậy 95%, riêng giả thuyết về Đa dạng sản phẩm có tác động tới Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz bị bác bỏ ở độ tin cậy 95%. Khách hàng khi mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz không quan tâm nhiều tới sự đa dạng sản phẩm của nhãn hàng, nên cho rằng là không cần thiết trong quá trình quyết định mua. Các giả thuyết được tổng hợp sau khi kiểm định thể hiện cụ thể ở Bảng 7.

Bảng 7: Tổng hợp kết quả kiểm định giả thuyết

Giả thuyết

Kết quả

Sig.

Kết luận

H1: Giá sản phẩm có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

0.000

Chấp nhận giả thuyết

H2: Chất lượng sản phẩm có tác động thuận chiều tới Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

0.000

Chấp nhận giả thuyết

H3: Sự đa dạng sản phẩm có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

0.182

Bác bỏ giả thuyết

H4: Nhóm ảnh hưởng có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng.

0.000

Chấp nhận giả thuyết

H5: Xúc tiến thương maị có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppleherz của khách hàng.

0.028

Chấp nhận giả thuyết

H6: Thương hiệu có tác động thuận chiều đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Doppelherz của khách hàng

0.000

Chấp nhận giả thuyết

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:

Y = 0.301*P + 0.148*Q + 0.366*R + 0.084*M + 0.222*B

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Nhóm tư vấn (R) có mức ảnh hưởng mạnh nhất (β = 0.366), bao gồm: bác sĩ, dược sĩ, gia đình và người thân. Đặc biệt, Doppelherz đẩy mạnh sự hiện diện tại bệnh viện, xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia y tế nhằm tạo niềm tin và sự ủng hộ từ những người có sức ảnh hưởng trong việc chăm sóc sức khỏe. Qua đó, thương hiệu mong muốn các bác sĩ nhận thấy giá trị sản phẩm và khuyến nghị cho bệnh nhân, mở rộng độ nhận diện tại nhà thuốc và tới người tiêu dùng cuối cùng.

Ngoài yếu tố tư vấn, các yếu tố, như: giá cả, thương hiệu và chất lượng sản phẩm cũng quan trọng. Do thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe rất đa dạng về nguồn gốc và chất lượng, người tiêu dùng thường ưu tiên sản phẩm từ các quốc gia tiên tiến với giá cả phù hợp và thương hiệu uy tín.

Tuy nhiên, yếu tố Xúc tiến thương mại lại có tác động thấp nhất, vì Doppelherz chọn chiến lược quảng bá khác biệt, tập trung vào chất lượng và mối quan hệ với kênh phân phối uy tín thay vì đầu tư mạnh vào quảng cáo đại chúng. Điều này giúp thương hiệu có sự ổn định trong lòng phân khúc khách hàng cụ thể, nhưng hạn chế độ nhận diện rộng rãi như các đối thủ. Việc không quảng bá rộng có thể khiến Doppelherz bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng và giảm khả năng cạnh tranh. Thương hiệu cần cân nhắc đẩy mạnh quảng bá để không chỉ duy trì, mà còn mở rộng thị phần khi đối thủ không ngừng quảng cáo trên các phương tiện đại chúng, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Nghiên cứu đã xác định 5 yếu tố chính ảnh hưởng đến Quyết định mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe của khách hàng với thương hiệu Doppelherz tại miền Bắc, bao gồm: Nhóm tư vấn; Giá sản phẩm; Thương hiệu sản phẩm; Chất lượng sản phẩm; Xúc tiến thương mại. Mô hình hồi quy giải thích được 66% sự biến thiên trong quyết định mua hàng, nhưng vẫn còn 34% chưa làm rõ, cho thấy khả năng tồn tại các yếu tố khác ảnh hưởng.

Hàm ý quản trị

Doppelherz Việt Nam hướng tới trở thành thương hiệu dẫn đầu trong lĩnh vực sản phẩm bảo vệ sức khỏe nhập khẩu tại Việt Nam và Đông Nam Á, với mục tiêu cung cấp hơn 70 sản phẩm đạt chuẩn quốc tế ra thị trường Việt Nam vào năm 2030, đồng thời đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.000.000 tỷ đồng. Để hiện thực hóa tầm nhìn này và tăng sức cạnh tranh, đặc biệt là tại thị trường miền Bắc, Công ty chủ trương cạnh tranh về giá nhờ tối ưu hóa quy trình nhập hàng, giảm thiểu chi phí tồn kho và duy trì sự thống nhất về giá giữa các kênh bán hàng. Chính sách giá cạnh tranh được hỗ trợ bởi chiến lược nhập khẩu chặt chẽ, tạo nên lợi thế kinh tế đồng thời đảm bảo sự ổn định nguồn cung.

Bên cạnh đó, Doppelherz Việt Nam đặc biệt chú trọng mở rộng mạng lưới quan hệ với các chuyên gia y tế nhằm nâng cao uy tín và gia tăng độ tin cậy của sản phẩm trong cộng đồng. Thông qua các buổi hội thảo và chương trình đào tạo, Công ty mang đến kiến thức chuyên sâu cho các chuyên gia y tế và đội ngũ bán hàng, giúp họ hiểu rõ về hiệu quả của sản phẩm và truyền tải đến người tiêu dùng cuối một cách thuyết phục. Đồng thời, Công ty phát triển kênh tiếp cận đa dạng, như: các chuỗi siêu thị, cửa hàng mẹ và bé để gia tăng độ phủ của sản phẩm và tạo ra trải nghiệm mua hàng thuận tiện cho người tiêu dùng.

Về mặt quảng bá thương hiệu, Doppelherz Việt Nam xây dựng hình ảnh thông qua câu chuyện thương hiệu hơn 100 năm tại Đức, nhấn mạnh vào giá trị bền vững và chất lượng đã được khẳng định trên thị trường quốc tế. Chiến lược truyền thông đa kênh được thực hiện qua các phương tiện kỹ thuật số, mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận và tương tác. Các chiến dịch truyền thông tập trung vào giáo dục về sức khỏe, kết hợp với các chương trình khuyến mãi, tạo động lực thúc đẩy quyết định mua hàng. Đồng thời, Công ty không ngừng theo dõi và phân tích nhu cầu người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với thị trường Việt Nam, từ mẫu mã bao bì, hàm lượng dinh dưỡng cho đến thông tin chi tiết và minh bạch về thành phần sản phẩm, góp phần xây dựng lòng tin của khách hàng (Vuong và Nguyen, 2024).

Cuối cùng, để đảm bảo hiệu quả truyền thông và duy trì sự nhận diện thương hiệu mạnh mẽ, Doppelherz Việt Nam dành nguồn lực đáng kể cho marketing. Công ty áp dụng phương pháp truyền thông tích hợp, sử dụng linh hoạt giữa truyền thông truyền thống và hiện đại, từ quảng cáo trên truyền hình, báo chí cho đến các kênh trực tuyến, như: website, Facebook, YouTube và các sàn thương mại điện tử. Đầu tư mạnh mẽ vào các hoạt động quảng cáo, tổ chức sự kiện và các chương trình tương tác với khách hàng, giúp Doppelherz không chỉ tăng cường độ phủ sóng, mà còn tạo nên mối liên kết gần gũi với cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam. Nhờ sự kết hợp của chiến lược phát triển sản phẩm và truyền thông bài bản, Doppelherz Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng lòng tin lâu dài, nâng cao khả năng cạnh tranh và từng bước chinh phục thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.

Hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng mẫu khảo sát nhỏ, thời gian thực hiện ngắn và phương pháp lấy mẫu thuận tiện. Những yếu tố này có thể gây sai số thống kê, giảm tính đại diện và độ tin cậy của kết quả, đồng thời có thể gây ra đa cộng tuyến trong phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, việc thu thập ý kiến bằng thang đo 5 mức cũng tiềm ẩn lệch lạc do chủ quan của người trả lời. Để cải thiện tính chính xác và khả năng tổng quát hóa, Doppelherz cần mở rộng khảo sát cả về địa bàn lẫn quy mô mẫu, kéo dài thời gian nghiên cứu, giúp có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về hành vi và nhu cầu khách hàng trong thị trường thực phẩm bảo vệ sức khỏe./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2018). Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

2. Babu, M. M (2008), Factors contributing to the purchase of Over the counter drugs in Bangladesh, An Empirical study, The Internet Journal of Third World Medicine, 6(2).

3. Hair, J.F., Black, W.C., Babin, B.J., Anderson, R.E. (2010), Multivariate data analysis, Prentice Hall, Upper Saddle River, NJ.

4. Hứa Thị Kim Dung (2013), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua thuốc không kê toa: Nghiên cứu tại TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

5. Kotler, P. (2001), Quản trị Marketing, Nxb Thống kê, Hà Nội.

6. Lưu Thanh Đức Hải (2006), Quản trị tiếp thị, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Lê Thị Hồng Nhung (2019), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua thuốc không kê đơn của khách hàng tại hệ thống Nhà thuốc Trung Sơn TP. Cần Thơ, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Tây Đô.

8. Lữ Thiện Phúc (2017), Nghiên cứu xây dựng thang đo các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định mua thuốc không kê đơn của người dân tại các cơ sở bán lẻ thuốc ở TP. Cần Thơ, Tạp chí Y dược học Cần Thơ, 9,183-191.

9. Mittal, K. C (2010), An empirical study of factors affecting consumer preferences of shopping at organized retail stores in Punjab, Journal of Business and Retail Management Research (JBRMR), 5(1).

10. Nguyễn Xuân Quang (2005), Marketing thương mại, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội.

11. Nguyễn Vĩnh Sinh (2013), Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua thuốc không kê toa của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

12. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nxb Tài chính.

13. Quốc hội (2005), Luật Thương mai, số 36/2005/QH11, ngày 14/6/2005.

14. Quốc hội (2010), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số 59/2010/QH12, ngày 30/11/2010.

15. Schiffman, L., Hansen H., and Kanuk, L. (2007), Consumer Behaviour: A European Outlook, London Pearson Education.

16. Shah, T. and Jain, A. (2010), Effechtiveness of OTC drug advertising and its impact on Consumer Behavior, Proceedings of International Conference on Managment and Finance 2010, University Colombo.

17. Villako, P., Volmer, D., Raal, A. (2012), Factors influencing purchase of and counselling about prescription and OTC medicines at community pharmacies in Tallinn, Estonnia, Acta Poloniae Pharmaceutica Drug Research, 69(2), 335-340.

18. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Better Economics for the Earth: A Lesson from Quantum and Information Theories. AISDL.

19. Zhou, Xue, Ping (2012), Private label drugs in China: the customer perspective, International Journal of Pharmaceutical and Healthcare Marketing, 6(2).

Ngày nhận bài: 22/11/2024; Ngày phản biện: 12/12/2024; Ngày duyệt đăng: 25/12/2024