Thông qua gói hỗ trợ mới, giảm 21.300 tỷ đồng thuế cho đối tượng bị Covid-19 tác động
Thêm gói hỗ trợ 21.300 tỷ đồng
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, hôm nay (ngày 16/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, theo Văn phòng Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ cho rằng việc đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 là cần thiết. Do đó, Chính phủ đề xuất như sau:
Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.
Thứ hai, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Thứ ba, giảm GTGT tăng kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động của các đại lý du lịch... Các doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT; doanh nghiệp, tổ chức nào thực hiện nộp thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm (%) trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính GTGT. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thứ tư, miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp. Dự kiến số giảm thu NSNN theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Tính chung việc thực hiện 4 giải pháp như nêu trên có thể làm giảm thu NSNN khoảng 21.300 tỷ đồng.
Tránh ưu đãi “nhầm” đối tượng
Khi thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, liên quan đến nội dung giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý của ngành thuế, rà soát, xác định rõ phạm vi đối tượng, lĩnh vực ngành nghề bị ảnh hưởng nặng do dịch bệnh, làm cơ sở xây dựng khung chính sách đảm bảo đúng mục tiêu chính sách.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, UBTVQH cần xem xét, quyết định để có thể ban hành chính sách này sớm, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang rất khó khăn do tác động của đại dịch… |
Liên quan đến giảm GTGT tăng đối với một số lĩnh vực kinh doanh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa/dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực như: hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác… ra khỏi phạm vi áp dụng của chính sách giảm GTGT tăng. Vì việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến của những lĩnh vực này vẫn có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tránh tình trạng đối tượng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Ảnh: Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Do nguồn lực có hạn, nên phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Mặt khác, ngành ngân hàng cần tiếp tục rà soát chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như: hàng không; vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường bộ; các công ty lữ hành, khách sạn, dịch vụ đang rất khó khăn về dòng tiền.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhất trí nhóm chính sách theo Tờ trình của Chính phủ, UBTVQH thống nhất ban hành Nghị quyết để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp để giảm bớt khó khăn cho tác động nặng nề bởi dịch. Đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh các nội dung trên. Đối với việc miễn thuế phải nộp của quý III, IV/2021 cho các hộ, cá nhân kinh doanh, phải chú ý tới các hộ, cá nhân kinh doanh, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ; phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp theo lĩnh vực, chính xác, phù hợp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh Nghị quyết nhằm sớm ban hành. Ảnh: Quốc hội |
Về giảm thuế GTGT từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế GTGT để loại trừ không giảm cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến. Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế GTGT đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.
Sau khi 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến trong phiên thảo luận để khẩn trương hoàn chỉnh Nghị quyết xin ý kiến UBTVQH trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021./.
Bình luận