Thu hút FDI 11 tháng 2024: Nhìn từ các đối tác đầu tư
Báo cáo mới nhất về tình hình thu hút FDI của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho hay, tính đến hết tháng 11 năm 2024, tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3.035 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD (tăng 0,7% so với cùng kỳ).
Đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam
Xét theo đối tác đầu tư, báo cáo cho biết, đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2024.
10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất 11 tháng 2024 gồm: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Đài Loan, Cayman Islands, Samoa, Thổ Nhĩ Kỳ và British VỉginIsland. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản…
Đầu tư nước ngoài 11 tháng năm 2024 theo đối tác. Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) |
Điểm đáng chú ý là trong top 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất 11 tháng 2024, vốn đầu tư FDI từ quần đảo Cayman (Cayman Islands) vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký từ quần đảo Cayman đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng hơn 550% so với cùng kỳ (tương đương cao gấp 5,5 lần), xếp thứ 7 trong tổng số 110 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng 2024.
Quần đảo Cayman (Cayman Islands) là quần đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, năm 2023, dân số của quần đảo đạt khoảng 81.500 người, với GDP danh nghĩa đạt 6,68 tỷ USD, đưa GDP bình quân đầu người lên mức ấn tượng 91.419 USD, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tăng trưởng kinh tế thực tế đạt 2,4%, được thúc đẩy bởi ngành dịch vụ tài chính và du lịch. Quần đảo này nổi tiếng là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới và là điểm đến du lịch hấp dẫn. Với môi trường kinh doanh thuận lợi, quần đảo này tiếp tục là điểm thu hút các tổ chức tài chính và nhà đầu tư toàn cầu.
Quần đảo Cayman (Cayman Islands) là quần đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm ở phía Tây vùng biển Caribe. |
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25,0%).
Tính lũy kế đến tháng 11 năm 2024, cả nước có 41.720 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo đối tác đầu tư, tính đến hiện tại, có 147 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 89,1 tỷ USD (chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 82,3 tỷ USD (chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc).
Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới
Trong nhiều lần phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ rõ, những năm vừa qua, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việt Nam hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư quốc tế tới đầu tư trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, định hướng của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án trong lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối, nhất là phục vụ các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển mạnh một số lĩnh vực mới có tính đột phá, chiến lược như bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nhà máy Intel tại TP. Hồ Chí Minh |
Điều này đã thể hiện qua cơ cấu thu hút của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 299,8 tỷ USD (chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 72,5 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).
|
Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, Việt nam đã thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến tìm hiểu cơ hội xúc tiến đầu tư vào những ngành công nghệ cao.
Theo đó, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Đi cùng với Apple tại Việt Nam là các đối tác của tập đoàn gồm: Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều DN đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chíp.
Hualian Ceramic, một công ty gốm sứ gia dụng hàng đầu, có kế hoạch xây dựng một thung lũng gốm sứ; Sailun Group cam kết đầu tư thêm vào nhà máy sản xuất lốp xe của họ; Lotus Pharmaceuticals đã thực hiện các thương vụ mua lại để mở rộng sang ngành dược phẩm trong khi Deli Stationery (văn phòng phẩm), Sunwoda (pin) và United Imaging (chăm sóc sức khỏe) đều đang thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn như nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán, sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm có giá trị gia tăng cao được đầu tư mới và tăng vốn đầu tư.
Các chuyên gia nhận định, năm 2024 Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD, đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW. Trong bối cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài, điều này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam./.
Bình luận