Thứ trưởng Bộ Công Thương lý giải hiện tượng lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: "Về góc độ điều hành giá xăng dầu cùng với Bộ Tài chính, chúng tôi thấy rằng 2 loại giá này đều cao".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, về góc độ điều hành giá xăng dầu cùng với Bộ Tài chính, chúng tôi thấy rằng 2 loại giá này đều cao. |
Chênh khoảng 30-35 USD/thùng, giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng
Thứ trưởng chỉ ra rằng, từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen giá bán lẻ dầu hỏa và dầu diesel thấp hơn giá xăng, nhưng kỳ điều hành ngày 5/9 vừa qua thì lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng.
"Nguyên nhân trước hết tại thị trường thế giới từ đầu năm 2022 đến nay, sau xung đột giữa Nga-Ukraine thì nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm, nên nhu cầu đối với dầu hỏa và dầu diesel tăng, nhằm thay thế nhu cầu về khí đốt, dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng khá cao, nằm ở mức tương đương hoặc cao hơn so với giá xăng", Thứ trưởng lý giải.
Những tháng gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng tăng vào mùa lạnh, mùa đông và nhu cầu người dân đang dần chuyển sang dầu khi giá năng lượng tăng cao, thì giá dầu đã tăng khá mạnh và cao hơn nhiều so với giá xăng.
Hiện nay, trung bình trên thế giới bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng trong khi giá dầu đang ở mức 143 USD/thùng. Còn ở trong nước, trong cơ cấu giá xăng và dầu, các mức thuế, chi phí kinh doanh cũng rất khác nhau.
Thứ trưởng cho biết, thực tế, nhu cầu bình quân của các loại dầu chỉ ở mức 0-0,72%, thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%, thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0% và xăng là 8-10%. Do đó giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn tăng cao hơn so với giá dầu.
Về giá xăng dầu ở các nước châu Âu, hầu như giá dầu cao hơn giá xăng như Italy, Hungary, Đức, Pháp, Áo, Anh... Còn ở Việt Nam, kỳ điều hành ngày 5/9 là lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng, do giá xăng và giá dầu trên thế giới có sự chênh lệch lớn. Giá dầu cao hơn giá xăng khoảng 30-35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
Chia sẻ với những đối tượng sử dụng dầu, chủ yếu là dầu diesel, đặc biệt trong ngành vận tải và ngư dân đánh bắt cá, song Thứ trưởng nhấn mạnh, chúng ta điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự điều hành của Nhà nước.
"Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ngày gần đây nhất (12/8/2022), Văn phòng Chính phủ có công văn 5142 truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu các biện pháp về chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các đối tượng có thu nhập thấp và hỗ trợ giá xăng dầu cho các ngư dân và các đối tượng có liên quan", Thứ trưởng cho biết thêm thông tin.
Đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
Câu hỏi thứ hai liên quan đến tước giấy phép của 5 doanh nghiệp, Thứ trưởng cho hay, ngày 15/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Theo đó, xử phạt các đơn vị này 13 tỷ 343 triệu đồng.
Thứ trưởng cho biết thêm rằng, ngoài hình thức phạt tiền thì có 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
"Lỗi của họ chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định hiện hành và chắc chắn việc khi 5 doanh nghiệp này nếu đã bị tước quyền theo Điều 9 của Nghị định 83 thì họ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để họ thực hiện, kể cả việc không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, khống được bán xăng dầu cho các thương nhân khác…", Thứ trưởng cung cấp thông tin cho báo giới.
Sáng ngày 6/9, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ và chiều cùng ngày, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương họp và đã báo cáo hướng xử lý. Theo đó, trước mắt là phạt hành chính, còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn, thì vẫn áp dụng, nhưng sẽ áp dụng trong một thời điểm phù hợp.
"Vì chúng ta có 3 nguyên tắc xử lý quan trọng nhất. Đó là xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, dù là thương nhân đầu mối hay các công ty của họ, nhưng thứ hai chúng ta cũng cần lưu ý đến những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay nhất là trong đại dịch vừa qua. Thứ 3 quan trọng nhất là việc phải bảo đảm được nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh", Thứ trưởng lý giải vì sao chưa áp dụng ngay hình thức tước giấy phép./.
Bình luận