Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ 3 nhóm chính sách cốt lõi thực hiện Kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia
Đánh giá về việc triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hiện nay trong lĩnh vực thu hút đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, các chuyển biến thể hiện trên nhiều hoạt động thực tiễn như: tăng cường quản lý phát triển các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp; chuyển đổi các phương tiện sản xuất theo hướng sản xuất và vận hành xanh. Đồng thời với đó là việc nghiên cứu đàm phán triển khai các cơ chế mới, để huy động các nguồn lực từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại VCSF 2023 |
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong thời gian qua, các địa phương đã thay đổi rất mạnh mẽ trong chiến lược thu hút đầu tư. Hiện nay, rất nhiều địa phương "nói không" với các dự án chỉ sử dụng công nghệ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các dự án không định hướng mục tiêu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
“Hàng loạt dự án, kể cả các dự án có quy mô lớn đã bắt đầu cam kết đầu tư tại Việt Nam với mục tiêu phải đạt tiêu chí trung hoà carbon ngay từ khi sản xuất, điển hình là dự án của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) và nhiều dự án khác. Hiện nay, hơn bao giờ hết, các bộ, ngành và địa phương đều bám sát xu hướng quốc tế, chú trọng tăng cường cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ngoài các quy hoạch tỉnh, thì các quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng đã quán triệt nguyên tắc lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào các quy hoạch này. Đó là những thay đổi rất rõ ràng và đáng kể”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc ghi nhận.
Theo Thứ trưởng, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào, kể cả các nước đang phát triển cũng sẽ phải hướng tới. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nên đối với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, bên cạnh các cơ hội thì cũng đặt ra rất nhiều khó khăn. Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh tại Diễn đàn, đã chỉ đạo một loạt vấn đề các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện.
Thứ trưởng cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hoá 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đây là các vấn đề cốt lõi nhất trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có rất nhiều giải pháp...
Nhấn mạnh tập trung vào 3 nhóm chính sách với cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn, Thứ trưởng cho biết, cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất là việc xây dựng chính sách công cụ để huy động nguồn lực tài chính và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho phát triển xanh và bền vững. Đặc biệt, trong các chính sách này đều gắn kết vai trò của khu vực tư nhân trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư. Do đó, trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình dự án quốc gia của các bộ, ngành, địa phương. Việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ được ưu tiên để thực hiện các dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong từng giai đoạn.
Liên quan nhóm chính sách này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, hiện nay, các bộ, ngành đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như: trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đang được Thủ tướng Chính phủ giao gấp rút hoàn thiện đề án hướng tới sớm đẩy nhanh thị trường carbon. Bên cạnh đó, cũng sẽ sớm hoàn thiện thể chính sách, nhất là về các công cụ thuế và công cụ khác, để ứng phó với các dự án có phát thải carbon gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, sẽ dùng công cụ thuế và các công cụ khác để thu hút các dự án xanh theo đúng định hướng về tăng trưởng xanh.
Cũng trong nội dung nhóm chính sách này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm, một trong những nội dung hết sức quan trọng là các cơ quan quản lý đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho doanh nghiệp, cụ thể là cơ chế tiếp cận tín dụng xanh để khuyến khích các dự án xanh và thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng các giải pháp tập trung để huy động nguồn lực cho tín dụng xanh.
“Chúng tôi cũng hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để chúng ta có thể huy động được các nguồn lực quốc tế cho tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin.
Bên cạnh đó, một điểm rất đáng chú ý được lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặc biệt nhấn mạnh trong việc xây dựng thể chế, chính sách, đó là cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp lớn trở thành các tổ chức tài chính có thể dẫn dắt các thị tường sản xuất và tiêu thụ xanh trong nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Theo sự phân công của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung xây dựng hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Bộ tiêu chí này đảm bảo hài hoà với thông lệ quốc tế. Đây là khuôn khổ pháp lý rất quan trọng để triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, là cơ sở để các bộ, ngành và địa phương lựa chọn các dự án đầu tư, để phân bổ các nguồn lực trong nước và quốc tế, phân bổ nguồn tín dụng xanh và nhất là để các nhà đầu tư có thể đối chiếu các tiêu chí có thể tiếp cận chính sách ưu đãi đầu tư, cũng như nguồn tài chính xanh từ các tổ chức”, Thứ trưởng cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, cùng các đại biểu, doanh nghiệp và chuyên gia tham dự Diễn đàn |
Nhóm vấn đề thứ hai là mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ phải được cụ thể hoá bằng các dự án và chương trình thực tiễn, tập trung vào các lĩnh vực đột phá, ví dụ như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh việc chuyển đổi năng lượng hóa thạch, tiến tới chấm dứt sản xuất các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển các công trình xanh đạt mức phát thải carbon bằng 0; tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế; quản lý các chất thải; vấn đề hấp thụ carbon... Đây là các lĩnh vực mà trong thời gian tới sẽ là ưu tiên rất cao trong chính sách của Việt Nam.
Ở nhóm chính sách này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Danh mục các nhiệm vụ dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030. Đồng thời, về cơ chế ưu đãi đầu tư, Việt Nam đang tiếp cận trên cơ sở lĩnh vực và địa bàn. Tuy nhiên, các chính sách này đã thực hiện suốt trong giai đoạn rất dài hơn 30 năm qua, do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu xây dựng một cơ chế, chính sách và cách tiếp cận ưu đãi mới để phù hợp với định hướng của Việt Nam, cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhóm chính sách thứ ba cũng được đánh giá là trọng điểm liên quan đến vấn đề huy động nguồn lực. Đây là vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh. Chia sẻ tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần huy động nguồn tài chính tăng thêm khoảng 6,8% GDP/năm, tương đương với khoảng gần 400 tỷ USD từ nay đến năm 2040. Do đó, việc huy động các nguồn lực là hết sức cần thiết và đóng vai trò cốt yếu. Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức song phương và đa phương, đồng thời Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thiết lập xây dựng một hệ thống đo lường, giám sát và báo cáo quá trình triển khai các kế hoạch.
“Tôi tin rằng, Diễn đàn này là cơ hội để các cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành và cơ quan có liên quan chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong việc nhận diện các cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Chúng tôi mong muốn được đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, cảm ơn sự đồng hành chặt chẽ của VCCI trong thời gian qua, với vai trò là cơ quan tham mưu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự đồng hành, hợp tác của các cơ quan hữu quan trong thời gian tới...”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc bày tỏ./.
Bình luận