Thủ tướng Chính phủ: Cần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún
Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và hơn 500 đại biểu tại đầu cầu truyền hình Hà Nội, cùng hàng trăm đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.
Quảng cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục, như: Đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp trong khi số dân làm nông nghiệp khá cao; số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số 7.600 doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc huy động vốn, tiếp cận các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn cao; việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỷ lệ thải loại rất cao; vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm.
“Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên việc giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thể giới)”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, tình trạng diện tích đất canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến (trung bình 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình). Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Số địa phương kết quả đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Thu nhập của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn.
“Việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân; sớm khắc phục tinh thần thiếu tự tin, chờ đợi của một bộ phận nông dân. Thời gian tới, Đảng, Nhà nước ta phải cùng với nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp và nông thôn. Cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Theo Thủ tướng, ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn mới khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, phải sớm khắc phục tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay; phải chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang sang tư duy kinh tế nông nghiệp hội nhập sâu rộng. Thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 phải áp dụng mạnh mẽ vào nông nghiệp như thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh, khi mà gần 70% số dân dùng điện thoại thông minh. Tư duy chậm trễ dẫn tới không có hành động kịp thời, cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có phát triển nông nghiệp, nông thôn.
“Cần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thủ tướng cho rằng, phải thay đổi tư duy, cách làm; sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất, gắn chặt với yêu cầu thị trường, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu, tiếp tục xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn; duy trì bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp; có chính sách phù hợp với các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn.
Đồng thời thực hiện quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; cần rà soát, tháo gỡ khó khăn cho người dân làm lâm nghiệp để Việt Nam có thể trở thành một trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới từ khâu rừng trồng.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị để cùng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 hoàn thiện báo cáo tổng kết, đồng thời chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đến năm 2020, giai đoạn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình Bộ Chính trị xem xét trong tháng 12/2018./.
Bình luận