Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Quốc hội đã quyết Luật Quy hoạch, việc của chúng ta là làm cho tốt”
Luật Quy hoạch được Quốc hội ban hành từ năm 2017 với nhiều điểm mới, tạo sự thay đổi toàn diện và sâu sắc về thể chế, tư duy, phương pháp lập quy hoạch, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một bản quy hoạch nào được phê duyệt. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tiến độ đã chậm và việc của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương hiện nay là phải đẩy nhanh hơn, thực thi tốt văn bản Luật này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác quy hoạch sáng 19/8/2021 |
Tiến độ đã chậm và việc của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương là phải đẩy nhanh hơn, thực thi tốt Luật Quy hoạch. Vướng đâu, gỡ đó, kể cả vướng trong chính Luật Quy hoạch. Tôi tin việc gì chính đáng thì không ai từ chối cả. Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Trong quá trình làm quy hoạch, quan điểm của Thủ tướng là phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các bộ, ngành, địa phương cần làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, xóa bỏ tư duy cục bộ, manh mún. Quy hoạch là công tác đi trước, vạch đường, nên Thủ tướng yêu cầu nội dung phải cụ thể hóa được tinh thần của Luật, có tính bao quát, định hướng, phải bám sát thực tiễn, tiềm năng của từng ngành, từng địa phương, nếu không sẽ rất khó có thể phát triển bền vững.
“Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt. Có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt. Có nhà đầu tư tốt thì dòng vốn đầu tư công mới có hiệu quả tốt”, Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch sáng ngày 19/8/2021.
Quyết tâm xây quy hoạch mới, thay thế cho 19.285 quy hoạch cũ
Về quy hoạch tổng thể cấp quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã trình và được Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4/10/2020. Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện khung định hướng với dự kiến sẽ trình Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, thông qua vào tháng 10/2021. Song song với xây định hướng khung, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lập quy hoạch với mục tiêu hoàn thiện, trình Chính phủ vào tháng 6/2022, để trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại kỳ họp tháng 10/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện khung định hướng quy hoạch quốc gia, dự kiến sẽ trình Hội đồng vào tháng 10/2021 |
Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam có tới 19.285 loại quy hoạch. Quy hoạch quá nhiều, nhiều văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu liên kết, gây lãng phí lớn cho xã hội, trong nhiều trường hợp còn kìm hãm sự phát triển của xã hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Về quy hoạch ngành, các bộ vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến năm 2021 có 19 bản được lập xong và trình thẩm định. Với quy hoạch vùng, hiện mới có vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn thiện dự thảo quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Quy hoạch 5 vùng còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng với dự kiến trình Thủ tướng xem xét quyết định trong năm 2021.
Liên quan đến quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Riêng TP. HCM và Hà Nội vẫn chưa trình nhiệm vụ lập quy hoạch để thẩm định…
Với tiến độ trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, từ nay đến cuối năm 2021, dự kiến sẽ có 19/38 quy hoạch ngành quốc gia; 1/6 quy hoạch vùng; 26/63 quy hoạch tỉnh được lập và trình thẩm định. Các quy hoạch còn lại sẽ được trình trong năm 2022. “Sau khi được quyết định hoặc phê duyệt, các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch được ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Với quá nhiều loại quy hoạch đang cùng tồn tại, việc áp dụng phương pháp tích hợp trong xây dựng quy hoạch mới sẽ khắc phục được sự chồng chéo, xung đột, nâng cao sự gắn kết, vì mục tiêu phát triển cân đối, bền vững giữa các ngành. Dù cần thêm thời gian để hoàn thiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, tinh thần “Chính quyền là một tổng thể thống nhất” của Luật Quy hoạch đã từng bước được hiện thực hóa ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Các loại quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… đã từng bước được bãi bỏ, thay thế cho các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Hai điểm vướng lớn từ địa phương
Hai khó khăn lớn nhất mà người đứng đầu các tỉnh, thành dự họp sáng 19/8 báo cáo Thủ tướng, đó là nguồn kinh phí để triển khai lập quy hoạch và việc lúng túng khi chưa có quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP. HCM gặp khó khăn về nguồn kinh phí xây dựng quy hoạch |
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, TP. HCM làm chậm vì thiếu quy hoạch tổng thể để có căn cứ tích hợp khi xây dựng quy hoạch địa phương. Cùng với đó là khó về nguồn kinh phí lập quy hoạch khi chưa có hướng dẫn cụ thể dùng nguồn nào để làm. Nếu hai điểm này được gỡ vướng, ông Nên khẳng định, TP. HCM sẽ làm được công tác lập quy hoạch, để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Tại Hà Nội, lãnh đạo Thành phố cho biết, dù có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng công tác lập quy hoạch của Thủ đô gặp khó cũng bởi chưa có quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng để soi chiếu. Lãnh đạo Hà Nội cho biết, điểm khó nhất là ở yêu cầu quy hoạch mới phải có tính tích hợp với quy hoạch vùng Thủ đô (9 tỉnh lân cận), quy hoạch an ninh, quốc phòng… bên cạnh các quy hoạch chuyên ngành khác (khoảng 320 loại). Việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch mới là rất khó và cần thêm thời gian.
Với Nghệ An, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Trung cho biết, năm 2020, Tỉnh được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, nhưng quá trình làm cũng gặp các vướng mắc như các địa phương khác. Vướng nhất là phải lập quy hoạch địa phương trong khi chưa có quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng. Vướng tiếp theo là quy hoạch mới tại Tỉnh yêu cầu tích hợp, thay thế cho khoảng 50 bản quy hoạch cũ, nên công tác rà soát, chọn nhà tư vấn rất khó…
Chủ tịch Nghệ An đề xuất xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia về quy hoạch |
Trước thực tế này, Chủ tịch Nghệ An đề xuất, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên sớm hướng dẫn các tỉnh, thành về cách tích hợp quy hoạch và cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung quốc gia, để làm căn cứ cho các địa phương, các ngành tham vấn khi xây dựng quy hoạch dài hạn của chính mình…
Khó khăn ngoài dự liệu khác được các địa phương chia sẻ, đó là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ rất chia sẻ với khó khăn này và cho biết, đại dịch xảy ra là điều không được lường trước và diễn tiến tới đây rất khó dự đoán. Nhân Hội nghị với các tỉnh, thành, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa kêu gọi việc chung tay hỗ trợ TP. HCM cả về nhân lực, vật lực để sớm chiến thắng đại dịch. “TP. HCM có bình yên thì cả nước mới bình yên”, Thủ tướng nói.
"Việc gì chính đáng thì không ai từ chối cả"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trước khi Luật Quy hoạch được ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác quy hoạch tại nước ta gồm 101 luật, pháp lệnh và 85 nghị định điều chỉnh về hoạt động quy hoạch. Rất nhiều văn bản không đồng bộ, không thống nhất trong tổng số 19.285 các loại quy hoạch trong giai đoạn 2011-2020. Quy hoạch quá nhiều, lại mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn, thiếu liên kết, nên gây lãng phí lớn cho xã hội, trong nhiều trường hợp còn kìm hãm sự phát triển của xã hội.
Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh sửa đổi sau đó đã thay đổi hiện trạng trên bằng tư duy đột phá. Luật tạo nền tảng để thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng Nhà nước kiến tạo và phục vụ, trong đó quy hoạch là công cụ để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động vốn cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công. Đặc biệt, Luật Quy hoạch tạo nên tư duy gắn kết trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Luật cũng khắc phục tình trạng “xin – cho” thông qua việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, làm lãng phí nguồn lực và trái với quy luật kinh tế thị trường.
“Với nền tảng tư duy như vậy, không có lý do gì các bộ, ngành, các địa phương không quyết tâm xây nên một con đường lớn, định hình sự phát triển cho địa phương mình, ngành mình một cách dài hạn và hiệu quả”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ và cho rằng, vướng mắc về cách hiểu, cách làm, về tài chính… đều có thể xử lý, để đạt mục tiêu tổng thể quốc gia về quy hoạch.
Theo Bộ trưởng, điểm vướng mà các địa phương, bộ ngành nêu ra, rằng thiếu quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, nên gặp khó trong làm quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, không có gì mới. Vấn đề này đã được đặt ra từ khi Quốc hội xây dựng Luật Quy hoạch. Theo đó, tư duy làm quy hoạch là làm đồng thời, cấp trên, cấp dưới cùng làm, cùng điều chỉnh, chứ không chờ nhau được. Tuy nhiên, để gỡ vướng cho các địa phương, các ngành, Bộ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện khung định hướng quy hoạch Quốc gia và sẽ trình Chính phủ vào tháng 10 tới.
Về phương pháp tích hợp quy hoạch, biết rằng, đây là việc rất khó do hiện trạng nước ta có quá nhiều loại quy hoạch, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nếu không thay đổi thì các quy hoạch đang có sẽ tiếp tục tạo nên sự lãng phí và không thực thi được. Bộ trưởng đốc thúc các ngành, địa phương khẩn trương làm quy hoạch mới, tích hợp trong 1 nền tảng để tạo con đường lớn, thực sự có ích cho phát triển dài hạn.
Liên quan đến vướng mắc về kinh phí, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất, Thủ tướng ban hành văn bản mới, cho phép sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch. Đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính được Thủ tướng đồng thuận ngay tại sự kiện, với kỳ vọng công tác lập quy hoạch tới đây sẽ không còn khó khăn về nguồn tài chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để các bộ, ngành, địa phương chia sẻ thông tin, sử dụng thông tin tích hợp từ Trung tâm này. Trong quan điểm của Thủ tướng, quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương là những việc khó, nên cần làm trên nguyên tắc vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm sao để tạo sự hài hòa, thống nhất về tổng thể trong định hướng phát triển Đất nước.
Thủ tướng yêu cầu thực thi Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vướng đâu sẽ gỡ đó, ngay cả khi điểm vướng nằm ở trong chính Luật Quy hoạch thì các bộ, ngành, địa phương cứ trình bày rõ, thống nhất ý kiến để báo cáo Quốc hội. “Tôi tin, việc gì chính đáng thì không ai từ chối cả”, Thủ tướng nói./.
Bình luận