Thúc đẩy áp dụng thực hành ESG hướng tới quản trị doanh nghiệp bền vững
Với trọng tâm tập trung về vấn đề quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu từ các bộ, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững” |
ESG, xu hướng thời đại dẫn dắt nhà đầu tư toàn cầu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD cho biết, ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, xu hướng chuyển đổi hệ thống nói chung đã khiến các nhà đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính hay quỹ đầu tư tư nhân đang chuyển dịch chiến lược đầu tư trong hiện tại và tương lai thông qua lăng kính ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.
Ông Vinh dẫn thông tin từ Quỹ đầu tư VinaCapital cho thấy, thực tế rất đáng lưu ý là, một trong những câu hỏi đầu tiên của các tổ chức quốc tế gần đây khi hai bên đàm phán cơ hội đầu tư tại Việt Nam đều là về việc áp dụng tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD phát biểu khai mạc Hội thảo |
Ttheo Bloomberg Intelligence, ước tính tổng tài sản ESG toàn cầu sẽ đạt mức 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/3 tài sản đang được quản lý trên toàn thế giới. Xu hướng này vẫn tiếp diễn tăng đều đặn kể từ khi con số này vượt 35 nghìn tỷ USD từ năm 2020. Điều này cho thấy, ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu.
Chủ tịch VBCSD cũng cho hay, trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp cận các chuẩn mực ESG, với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội. Các doanh nghiệp đã nhận thức rõ không chỉ là vấn đề danh tiếng, ESG gắn liền với sự tăng trưởng ổn định, doanh thu công ty, lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
“Nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG, hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp, là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn. Tuy nhiên, để thực hành ESG cũng như quản trị doanh nghiệp hiệu quả, cần sự đầu tư và đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo doanh nghiệp”, ông Vinh nhận định.
Nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận và triển khai thực hiện ESG, đưa vào chiến lược phát triển bền vững, ông Vinh cho biết, từ năm 2016 đến nay, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam.
“Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực quản trị tại các khu công nghiệp, chúng tôi đang triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp bền vững từ năm 2021, hướng đến xây dựng và thúc đẩy áp dụng Bộ chỉ số Khu công nghiệp (KCN) bền vững trên mạng lưới các KCN toàn quốc”, Chủ tịch VBCSD chia sẻ.
Cơ hội và khó khăn từ thực tiễn triển khai của doanh nghiệp
Tập trung vào vấn đề quản trị phát triển bền vững – Chuyển đổi tư duy gắn với thực hành hệ thống ESG, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp bền vững, trong đó đề cập tới những tác nhân chính thúc đẩy tiến trình này, đó là người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp bền vững |
Theo bà Thanh, việc tích hợp ESG là một đề bài nhiều thách thức, tuy nhiên khi Chính phủ đã có cam kết về phát thải ròng, ESG không còn là trách nhiệm, mà là một yếu tố để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và là cơ hội phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
“Đây không chỉ là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh.
Chia sẻ kết quả nghiên cứu của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD), ông Joe Phelan, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp trên thế giới đang gặp khó khăn trong việc xác định những rủi ro về ESG trong công tác quản trị rủi ro hàng năm, cho dù ESG vẫn được họ đưa vào báo cáo bền vững thường niên của mình.
Để đề xuất giải pháp cho việc này, WBCSD giới thiệu mô hình Ba tuyến mới, theo đó ESG được tích hợp thông qua 3 trụ cột chính là: Quản trị (bao gồm phát triển cơ chế quản trị và báo cáo theo khung ESG và gắn kết chặt chẽ với các bên liên quan); Quản lý (bao gồm phát triển công tác tiếp cận đa nguồn lực, đánh giá rủi ro thực chất theo ESG, giám sát chất lượng dữ liệu/báo cáo về ESG), và cuối cùng là Kiểm toán nội bộ (có vai trò kiểm soát và bảo đảm tính chính xác của dữ liệu ESG trong doanh nghiệp, thúc đẩy công tác báo cáo về các ảnh hưởng kinh tế, xã hội của doanh nghiệp theo khung ESG và tương tác chặt chẽ với hai trụ cột còn lại).
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại, British American Tobacco (BAT) khu vực Đông Á đã chia sẻ các kinh nghiệm ứng dụng ESG, từ đó đưa ra những thông điệp về “Kiến tạo giá trị chung của doanh nghiệp từ thực hành ESG”. Theo bà Hoàng Anh, ESG hiện được lồng ghép trong mọi hoạt động kinh doanh ở BAT, nhằm tạo ra các giá trị chung cho người tiêu dùng, nhân viên, cộng đồng và các bên liên quan.
Thông qua các mục tiêu trung hòa cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và duy trì không có rác thải chôn lấp, song song với việc tái chế chất thải và sử dụng các nguồn cung bền vững, BAT có thể đóng góp vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo toàn đa dạng sinh học và trồng rừng. BAT cũng bảo đảm không có lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam, mang lại sinh kế tốt hơn cho nông dân, đồng thời nỗ lực xây dựng văn hóa đa dạng và hòa nhập, trao quyền cho lãnh đạo nữ, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, cũng như các nguyên tắc tiếp thị quốc tế.
Tại phiên Tọa đàm với chủ đề “ESG – Từ mục tiêu quản trị doanh nghiệp bền vững đến nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp” trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia của VCCI-VBCSD, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng đại diện các doanh nghiệp lớn đã triển khai áp dụng thành công ESG trong chiến lược phát triển như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã thảo luận về định hướng, vai trò của các chính sách từ Chính phủ trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh có trách nhiệm trên các khía cạnh Kinh tế - Xã hội – Môi trường – Quản trị; những thuận lợi và khó khăn khi hạch toán vốn tự nhiên trong quản trị doanh nghiệp hướng đến ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và góc nhìn từ doanh nghiệp, các tổ chức tài chính về thực hành ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lợi thế của các doanh nghiệp ESG trước nhà đầu tư và các tổ chức tài chính, từ đó đưa ra nhiều kiến nghị giúp thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG.
Các doanh nghiệp thảo luận và chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn tại phiên Toạ đàm |
Tỷ lệ quản trị bền vững tại các khu công nghiệp còn thấp
Tại Hội thảo, VBCSD đã công bố báo cáo kết quả nghiên cứu lần đầu tiên về thực trạng quản trị các KCN tại Việt Nam, nhằm đánh giá thực trạng một số KCN tại Việt Nam theo khung Kinh tế - Môi trường – Xã hội và Quản trị (EESG). Nghiên cứu được VBCSD phối hợp thực hiện cùng các đối tác IDH Việt Nam, Pepsico Việt Nam, Nestlé Việt Nam, triển khai từ tháng 1 đến tháng 6/2022 trong khuôn khổ Sáng kiến KCN bền vững – SIP với số đối tượng phản hồi chiếm 30% trên tổng số 397 KCN đang hoạt động trên cả nước.
VCSF là sáng kiến đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp được VCCI-VBCSD thực hiện thường niên từ năm 2014, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế. VCSF 2022 được tiếp nối với hai Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh”, “Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp trên lộ trình phi phát thải” sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26 và 27/10/2022. Phiên toàn thể của VCSF 2022 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 01/12/2022, cùng ngày với Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2022. Chương trình có sự đồng hành của Nestlé Việt Nam, Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, BAT Việt Nam và nhiều đối tác, hội viên VBCSD khác. |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị bền vững thấp (chỉ 39% có chính sách quản lý rủi ro môi trường, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số...). Các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (hay tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho KCN và các doanh nghiệp tham gia. Trong số KCN được khảo sát, chỉ 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý, 76% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp. Các giá trị hoạt động của KCN chưa được đánh giá đầy đủ và chia sẻ rộng rãi.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận Quan hệ Đối tác, VBCSD chia sẻ: “Hiện Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về thực trạng hoạt động của các KCN và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quản trị KCN như: ban quản lý KCN, chủ đầu tư, chủ các doanh nghiệp trong KCN, cũng như các nhãn hàng để thực hiện phát triển bền vững doanh nghiệp và KCN. Yếu tố “đồng tạo dựng”, kết nối chặt chẽ các bên liên quan chính là điểm khác biệt của Sáng kiến SIP”.
Ông Hải cũng cho biết, tiếp sau nghiên cứu này, VBCSD và IDH sẽ phối hợp với thành viên Ban chỉ đạo Sáng kiến để xây dựng Bộ chỉ số KCN bền vững dựa trên khung EESG và tiến hành thử nghiệm mức độ tương thích, phù hợp của Bộ chỉ số trong quản trị KCN tại Việt Nam. Dự kiến hàng năm, VBCSD sẽ hợp tác với các các cơ quan Chính phủ, ban quản lý KCN, các chủ đầu, các nhãn hàng, để xây dựng bản đồ hiện trạng KCN bền vững trên toàn quốc, nhằm cung cấp một nền tảng tổng thể và toàn diện, không chỉ giúp đo lường hiệu quả hoạt động của KCN, mà còn giúp cải tiến liên tục và chuyển đổi KCN, tiến tới đạt các tiêu chuẩn về KCN sinh thái./.
Bình luận