Từ khóa: phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể, liên hiệp hợp tác xã

Summary

Kon Tum is one of the highland, border provinces located in the north of the Central Highlands. Since the 2012 Law on Cooperatives was introduced, the Province has quickly deployed, promptly issued and disseminated documents guiding the implementation of the Law and organizing its implementation. Up to now, many cooperatives have operated effectively, promoting local advantages, gradually consolidating, innovating and improving the quality of operations, initially achieving many positive results, contributing to the socio-economic development of the Province. The article focuses on analyzing and evaluating the current state of cooperative economic development in the period 2012-2022, thereby proposing some solutions to develop the collective economy and cooperatives in Kon Tum province in the coming time.

Keywords: cooperative development, collective economy, cooperative union

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kon Tum có diện tích tự nhiên 9.676,5 km2, chiếm 3,1% diện tích toàn quốc, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp Quảng Ngãi, phía Tây giáp các nước bạn Lào và Campuchia (có chung đường biên giới dài 280,7 km). Địa hình của tỉnh Kon Tum khá đa dạng: đồi núi, cao nguyên và vùng trũng xen kẽ nhau. Tỉnh Kon Tum có dân số là 561.742 người, mật độ dân số đạt 58 người/km². Về tài nguyên đất của tỉnh Kon Tum được chia thành 5 nhóm với 17 loại đất chính, trong đó phần lớn là đất đỏ, nâu vàng, tím trên đá bazan phong hóa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cây công nghiệp, dược liệu...

Trong những năm gần đây, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội của Tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Tỉnh (GRDP) đạt 9,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người tăng từ 46,78 triệu đồng năm 2021 lên 52,44 triệu đồng năm 2022, đạt 100,84% kế hoạch. Đặc biệt, Tỉnh đã tập trung khai thác lợi thế, chú trọng nhiều hơn trong lĩnh vực phát triển kinh tế HTX, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; HTX, liên hiệp HTX, khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ HTX TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2012-2022

Những kết quả đạt được

Đến năm 2022, toàn tỉnh Kon Tum có 194 HTX với 9.733 thành viên và 1 liên hiệp HTX. Trong đó: 69 HTX hoạt động có hiệu quả; 48 HTX hoạt động trung bình; 62 HTX hoạt động còn hạn chế; 15 HTX và 1 liên hiệp HTX ngưng hoạt động. Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 273.000 triệu đồng. Doanh thu bình quân khoảng 1.500 triệu đồng/HTX/năm; Lợi nhuận bình quân khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm; Thu nhập bình quân của thành viên khoảng 47 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX 41 triệu đồng/người/năm [6].

Nhiều HTX trên địa bàn đã có bước phát triển mạnh về số lượng, một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm cho người dân.

Sau hơn 10 năm triển khai và thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay nhiều HTX hoạt động hiệu quả, phát huy tốt những lợi thế của địa phương, áp dụng những điểm mới của Luật Hợp tác xã để nâng cao nội lực, các HTX đã từng bước củng cố, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Nhiều HTX đã phát huy được vai trò tiên phong trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Một số HTX nông nghiệp đã thực sự hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín, từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX. Các HTX mới thành lập nhìn chung đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người lao động, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng hơn, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thành viên và người dân địa phương.

Công tác ban hành và phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 được Tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện, đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò KTTT, HTX. Tỉnh đã quan tâm đến công tác kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về HTX; tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Tỉnh đã chú trọng trong thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đã có tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ của cán bộ, thành viên HTX, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ ngày càng tăng. Đồng thời, Tỉnh đã tập trung vốn đầu tư từ ngân sách cho đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, như: giao thông, trường học, nước sạch, thủy lợi kênh mương nội đồng… Theo đó, các HTX cũng được hưởng lợi từ các công trình này để phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm, các HTX trên địa bàn Tỉnh đã tham gia nhiều Chương trình xúc tiến thương mại, qua đó đã quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hóa đến cộng đồng trong và ngoài nước, tạo cơ hội giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong thời gian qua, trên địa bàn Tỉnh đã xuất hiện một số HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới và có một số mô hình HTX hoạt động theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, đây là những mô hình HTX kiểu mới có cách làm hay, làm ăn hiệu quả cần được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng.

Những khó khăn, vướng mắc

Đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan trong xây dựng, ban hành và phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012, sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, đã có nhiều văn bản quy phạm phạm pháp luật quan trọng được sửa đổi, bổ sung, như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2020… Vì vậy, nhiều quy định còn chưa được thống nhất, đồng bộ, dẫn tới khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; Tỉnh cũng đã ban hành nhiều quy định về hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX. Tuy nhiên, còn một số văn bản của các bộ, ngành Trung ương chưa quy định rõ các quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết nên việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trong tổ chức bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KTTT, HTX, việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, liên tục. Việc bố trí cán bộ quản lý nhà nước theo dõi về KTTT, HTX còn bất cập do kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, gây khó khăn trong việc kiểm tra, theo dõi tình hình hoạt động của các HTX, chưa kịp thời nắm bắt được khó khăn của các HTX để kịp thời báo cáo, kiến nghị xử lý.

Công tác tuyên truyền vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, thành viên về hoạt động của HTX kiểu mới còn hạn chế; Nhận thức về vai trò, vị trí, mô hình HTX kiểu mới của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thành viên HTX và nhân dân chưa đầy đủ, chưa thật tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng đóng góp xây dựng phát triển mô hình HTX kiểu mới.

Trong thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX được ban hành nhiều, tuy nhiên nguồn lực để triển khai còn hạn chế, chưa có một chương trình, dự án riêng nào hỗ trợ cho HTX, nguồn ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ chủ yếu là nguồn kinh phí lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí sự nghiệp và các nguồn kinh phí vận động khác…

Ngoài ra, một số cơ chế ban hành chưa thật sự sát với yêu cầu thực tiễn, chưa quy định rõ các quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết, nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Một số cơ chế chính sách ở Trung ương ban hành, nhưng việc hướng dẫn triển khai và bố trí nguồn lực hỗ trợ chưa kịp thời.

Về khó khăn trong hợp tác liên kết chuỗi giá trị, hợp tác sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp và các tổ chức bên ngoài, tìm kiếm mở rộng thị trường, các hình thức liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Nhận thức của nông dân, HTX với việc liên doanh, liên kết hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Các doanh nghiệp chưa phát huy hết được các mặt tích cực, chưa thực hiện tốt các quy định trong hợp đồng giữa doanh nghiệp với HTX, tổ hợp tác và người dân; chế tài dân sự chưa đủ mạnh, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các cam kết hợp đồng, chưa ràng buộc rõ ràng giữa người bán và người mua.

Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu liên kết cũng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, thu hoạch nông sản; các hệ thống giao thông nội đồng vùng nguyên liệu đã xuống cấp, chưa được đầu tư đúng mức. Khả năng tổ chức sản xuất, kinh doanh của HTX còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý đa số lớn tuổi, hoạt động chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, chưa nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất, kinh doanh.

Việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình hoạt động của các HTX chưa nghiêm túc, hầu hết các HTX chỉ báo cáo theo quy định của cơ quan thuế, do đó các cơ quan quản lý nhà nước rất khó trong cập nhật số liệu về tình hình hoạt động của các HTX.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển KTTT

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về KTTT mà nòng cốt là HTX... và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động cho toàn bộ hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên về bản chất, vị trí, vai trò của HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức vận động một cách hiệu quả, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng. Tập trung đầu tư cho công tác đào tạo, đổi mới hoạt động đào tạo chuyển từ lý thuyết sang thực tế tại các mô hình hoạt động có hiệu quả trên cả nước để trực tiếp học tập kinh nghiệm, cách làm. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX. Chính sách hỗ trợ phải mang lại lợi ích cho các thành viên tổ chức KTTT, HTX phát triển bền vững, đồng thời phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, tự vươn lên, tránh sự ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tiếp tục huy động, tranh thủ mọi nguồn lực từ lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nước tham gia thúc đẩy phát triển KTTT.

Thứ hai, hoàn thiện và nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về KTTT

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo. Củng cố và tăng cường vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực KTTT trên cơ sở đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ cả về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu sát cơ sở và nhiệt tình với phong trào KTTT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT Tỉnh. Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, qua đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho về cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho khu vực KTTT. Kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ phận tham mưu quản lý nhà nước về KTTT, HTX để đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực kinh tế này trong giai đoạn mới.

Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX

Tiếp tục tổ chức, củng cố lại hoạt động của các HTX theo đúng bản chất của HTX kiểu mới. Phát huy vai trò làm chủ của thành viên. Giải quyết dứt điểm những HTX tồn tại hình thức, ngưng hoạt động thời gian dài, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, hạn chế phát sinh nợ mới. Tăng cường hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, quảng bá sản phẩm, từ đó tăng cơ hội liên kết, hợp tác giữa HTX với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, hoạt động hiệu quả. Thực hiện tốt công tác đánh giá và kịp thời tôn vinh, khen thưởng nhằm khích lệ các HTX vươn lên.

Thứ tư, hỗ trợ, xây dựng các mô hình KTTT, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh mới

Tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ để chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp, coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển nhanh nông nghiệp và KTTT. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến công ở khu vực nông thôn với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, cùng với sự huy động vốn của các doanh nghiệp, tổ chức. Đưa nhanh, đồng bộ cơ giới hóa vào tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch và chuồng trại, nuôi trồng thủy sản, chăm sóc, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông sản.

Thông qua các chương trình, mô hình, dự án của các cấp để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang, thiết bị để tiếp cận, chuyển giao, tiếp nhận khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ liên quan tới quy trình sản xuất giống, công nghệ về sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời khuyến khích các HTX chủ động học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP theo hướng tiết kiệm và sử dụng nguồn lực đầu vào hợp lý.

Thứ năm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, nguồn vốn, mở rộng thị trường cho sản phẩm hàng hóa của các liên hiệp HTX, HTX

Tăng cường hoạt động nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường, tư vấn cho các HTX để có thể sản xuất theo đúng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ thông qua hỗ trợ thiết kế logo, bao bì và các ấn phẩm quảng bá khác giúp các HTX có được nhãn hiệu hàng hóa uy tín, có vị thế vững chắc trên thị trường để mở rộng thị trường. Từng bước hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, giảm chi phí marketing truyền thống, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng một cách nhanh chóng và từ đó tăng cường cơ hội liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ sáu, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua mô hình KTTT

Áp dụng biện pháp quản lý, sử dụng đất thích hợp để giảm thiểu, cải thiện tình trạng thoái hóa đất trên vùng đất bị thoái hóa nặng. Hạn chế việc sử dụng chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dần sang nông nghiệp theo công nghệ sinh học và giám sát chặt chẽ việc sử dụng chất thải công nghiệp độc hại trước khi thải ra môi trường để không ảnh hưởng tới môi trường đất và môi trường sống của nhân dân. Áp dụng khoa học kỹ thuật đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và khí cacbon thấp phù hợp với điều kiện của địa phương; ưu tiên thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX

Tiếp tục hỗ trợ HTX tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài nước; tham gia các cơ hội giao thương, phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu giữa các nhà sản xuất, các cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị nhằm giới thiệu, hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Tranh thủ và phối hợp với các bộ ngành để huy động nguồn lực của các tổ chức nước ngoài nâng cao năng lực cho HTX; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên trang thông tin điện tử; hướng hoạt động hợp tác quốc tế vào các hoạt động kinh tế giúp các HTX tiếp cận thị trường trong nước, ngoài nước, tìm đối tác, thúc đẩy đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại./.

TS. Đỗ Văn Nhân - Học viện Chính trị khu vực III

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Chính trị (2020), Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Chính phủ ban hành.

2. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70/KL-TW, ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

4. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/03/2021 về Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030.

5. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 1318/QĐ-TTg, ngày 22/7/2021 về Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

6. UBND tỉnh Kon Tum (2022), Báo cáo số 107/BC-UBND, ngày 04/5/2022 về việc báo cáo tình hình phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum.