Để Luật Hợp tác xã năm 2023 thực sự đi vào cuộc sống

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi) với 94,33% ĐBQH có mặt tán thành.

Luật Hợp tác xã 2023: Tạo nhiều động lực cho kinh tế tập thể hợp tác xã phát triển

Luật Hợp tác xã 2023 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, ngày 20/6/2023 (thay thế Luật hợp tác xã 2012) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Hợp tác xã 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã tham gia vào nền kinh tế - xã hội. Cụ thể, với những điểm mới cốt lõi quan trọng được điều chỉnh, bổ sung vào Luật Hợp tác xã 2023 đặc biệt là đối với việc quy định giảm số lượng thành viên sáng lập từ 7 xuống 5 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình tham gia thành lập hợp tác xã. Việc bổ sung các loại thành viên tham gia hợp tác xã bao gồm thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn cùng với việc quy định tỷ lệ vốn góp tối đa cho một thành viên không quá 30% tổng vốn điều lệ của hợp tác xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã trong việc gia tăng nguồn vốn.

Nếu trước đây hợp tác xã chỉ có 1 loại thành viên chính thức và mỗi thành viên chỉ được phép góp tối đa 20% vốn điều lệ đã làm hạn chế việc đóng góp của những thành viên có điều kiện kinh tế tốt hơn từ đó ảnh hưởng tới khả năng huy động vốn của hợp tác xã. Luật lần này đã cho phép hợp tác xã có thể huy động vốn góp từ các thành viên liên kết và quy định mức đóng góp tối đa của 1 thành viên chính thức lên 30% đã tạo điều kiện cho hợp tác xã gia tăng sức mạnh về tài chính và chủ động nguồn vốn nội lực mà không phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tín dụng, bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức khác, các chuyên gia có thể tham gia góp vốn, góp sức lao động, liên kết sản xuất, kinh doanh để cùng phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Ngoài ra, Luật lần này cũng đã trao quyền cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác mà không quy định tỷ lệ cung ứng dịch vụ như Luật Hợp tác xã năm 2012. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã được mở rộng thị trường ra ngoài góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Cùng với quy định về quỹ chung không chia được hình thành từ giao dịch bên ngoài của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã với tỷ lệ không thấp hơn 5% đối với hợp tác xã và 10% đối với Liên hiệp hợp tác xã sẽ làm gia tăng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã, vì đây là nguồn quỹ không được chia trong suốt quá trình hoạt động của hợp tác xã.

Việc cho phép ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành hợp tác xã và tổ chức đại hội thành viên bằng hình thức họp và biểu quyết trực tuyến sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã tiết kiệm về thời gian, chi phí tổ chức đại hội. Hợp tác xã có thể chủ động trong việc lựa chọn hình thức tổ chức đại hội thành viên cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị.

Để Luật Hợp tác xã năm 2023 thực sự đi vào cuộc sống
Luật Hợp tác xã 2023 và các văn bản hướng dẫn đã tạo nhiều thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển

Đặc biệt, từ ngày 01/11/2024, 8 chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã chính có hiệu lực áp dụng, quy định tại các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Cụ thể:

Chính sách hỗ trợ thông tin, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện, áp dụng đối với hoạt động xây dựng và tăng cường năng lực cho mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn cho tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm: Hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Các đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan; Cá nhân, tổ chức khác tham gia tư vấn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ nhân rộng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động hiệu quả, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm của các tổ chức kinh tế tập thể. Hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài; tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể; hỗ trợ việc đăng ký chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do Bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị, nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nguồn vốn huy động, tài trợ từ cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài. Vốn đầu tư công hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu tư của dự án. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nguồn vốn huy động, tài trợ hợp pháp từ cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đưa ra là tối đa đến 100% kinh phí thực hiện. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân các cấp xem xét quyết định.

Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được thực hiện hỗ trợ theo vốn giống, trang thiết bị ứng dụng khoa học và công nghệ; Hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu; xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy, hải sản… và một số hỗ trợ khác được liệt kê tại điểm b khoản 2 Điều 16 Nghị định số 113/2024/NĐ-CP.

Cùng với những động lực giúp kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đến từ Luật Hợp tác xã năm 2023, thời gian tới, các hợp tác xã sẽ gặp những thách thức trong việc thay đổi bộ máy tổ chức và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động trong hợp tác xã cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đòi hỏi đội ngũ cán bộ, quản lý và người lao động phải có năng lực, trình độ phù hợp và nhanh nhạy trong tiếp cận và xử lý thông tin.

Khi Luật hợp tác xã 2023 có hiệu lực, nhiều hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc hạch toán các nguồn thu nhập từ các giao dịch nội bộ và giao dịch bên ngoài hợp tác xã, việc trích lập các quỹ, cũng như phân phối thu nhập sẽ mất nhiều thời gian, công sức hơn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao mà hầu hết hiện nay các hợp tác xã chưa thực hiện tốt điều này. Ngoài ra, quy định về hoạt động cho vay nội bộ sau khi đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không được sử dụng vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện cho vay nội bộ sẽ gây khó khăn cho các hợp tác xã trong việc huy động và hỗ trợ vốn cho thành viên, làm hạn chế đến việc chủ động nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã.

Để phát huy hiệu quả của Luật Hợp tác xã năm 2023

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2023 và Nghị định số 113/2024/NĐ-CP là khá đầy đủ, nhưng việc các chính sách này có phát huy hiệu quả hay không chính là ở khâu đưa chính sách vào cuộc sống và tổ chức thực hiện. Cụ thể, tới cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Coi phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đòi hỏi sự tham gia, chung sức của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế tập thể và người dân; cần có sự quan tâm, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực phù hợp; tổ chức thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, xử lý trường hợp có sai phạm. Từ đó, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế tập thể của Đảng, Nhà nước. Khẩn trương triển khai công tác nghiên cứu, quán triệt nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng tầm tư duy và tạo quyết tâm cao của các ngành, các cấp về nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thuận lợi cho khu vực kinh tế tập thể. Theo đó, các chính sách về phát triển kinh tế tập thể phải được đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả, dễ tiếp cận; theo hướng tiếp cận các nguyên tắc thị trường, bảo đảm công bằng, bình đẳng, dân chủ giữa các hợp tác xã và tạo cơ hội, động lực cho hợp tác xã tự lực vươn lên; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.

Các địa phương cần chung tay cùng cùng Nhà nước, bộ ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn mà nông dân, hợp tác xã đang gặp phải bằng cách thể chế hóa đưa Luật hợp tác xã 2023 và một số luật mới có hiệu lực vào đời sống để người dân, hợp tác xã nắm bắt thuận lợi hơn trong thực tiễn, từ đó thu hút doanh nghiệp liên kết xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Về phía các hợp tác xã, cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo, khai thác các tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm đặc trưng và OCOP, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho thành viên và người lao động. Bản thân những người cầm lái “con thuyền hợp tác xã” trên thương trường đòi hỏi phải am hiểu kiến thức, thuần thục kỹ năng, linh động nhạy bén trong quản trị kinh doanh.

“Tầm nhìn của hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã phải vượt qua được giới hạn của những suy nghĩ thông thường, có tính sáng tạo và khả năng dự đoán những biến động để “mở đường” cho hợp tác xã tiến lên. Triển khai tốt các chế độ chính sách để tìm và giữ chân những lao động trẻ, có trình độ xây dựng chính sách đãi ngộ riêng cùng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, bảo đảm tốt các chế độ chính sách để tìm và giữ chân những lao động trẻ, có trình độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới./.