Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát
Xăng dầu góp phần lớn đẩy CPI tăng cao
Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 05/2018 đã tăng 0,55% so với tháng trước - tháng có CPI tăng cao nhất trong sáu năm trở lại đây và tăng đến 3,86% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng giá xăng dầu được xem là một trong những nguyên nhân chính đẩy CPI tháng 5 vừa qua tăng mạnh. Ví dụ trong nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72%. Giá giao thông tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ điều chỉnh tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần. Trong đó có bốn lần tăng khá mạnh. Hiện giá xăng A95 đứng ở mức 21.511 đồng/lít, cao hơn 1.221 đồng/lít so với đầu năm và giá xăng E5 ở mức 19.940 đồng/lít, tăng thêm 1.697 đồng/lít. Giá dầu mazut cũng nhảy lên mức 14.437 đồng/ kg, cao hơn 2.000 đồng/kg so với đầu năm.
Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng đã tăng tới 4 lần
Đáng lo nữa là sắp tới đây việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít nếu được chấp thuận và áp dụng từ ngày 01/0//2018 sẽ tác động rất lớn đến cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Bên cạnh xăng dầu, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,88%, trong đó lương thực tăng 0,03% do giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ 0,1% so với tháng trước; thực phẩm tăng 1,2% do giá thịt lợn hơi tăng mạnh 5,85%, làm CPI chung tăng 0,25%.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ vào sáng ngày 29/05/2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng nhóm giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng đã cảnh báo: Không thể phủ nhận thị trường vẫn tiềm ẩn các nhân tố tác động gây bất lợi đến mục tiêu kiểm soát lạm phát xuất phát.
Đó là áp lực tăng giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tác động vào giá trong nước qua kênh nhập khẩu, trong đó đáng chú ý là biến động phức tạp của giá xăng dầu trong thời gian gần đây. Cộng với những hậu quả của thiên tai, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, khó lường.
“Nhằm kiểm soát lạm phát, nếu giá dầu thô tăng vọt lên tới 30% thì cơ quan điều hành sẽ sử dụng quỹ bình ổn để hỗ trợ và cố gắng không tăng giá xăng dầu trong nước”, ông Tuấn cho hay.
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc vào ngày 6/6/2018 về sự biến động CPI trong 5 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, hàng loạt các thành tố của CPI đang tăng, trong đó có nhóm về lương thực, năng lượng và giá dịch vụ y tế. Theo đó, giá xăng dầu thế giới có lúc lên tới 88 USD một thùng, tăng 25%-30%; giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại; riêng nhóm thực phẩm làm CPI tăng 0,25%; điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần cũng đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng 0,16%. Tổng cộng xăng dầu, thịt lợn hơi đã tác động CPI tăng 0,45%.
Điều hành sát sao giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý
Nhận thức rõ những nguy cơ gây áp lực lên CPI trong thời gian tới, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 05/2018 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thực hiện cho được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 ở mức dưới 4%.
Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm 2018 và chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó cần điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương là từ nay đến cuối năm phải tập trung dùng quỹ bình ổn và các biện pháp khác để cố gắng tăng giá xăng dầu ở mức thấp nhất nhằm đảm bảo CPI của năm 2018 tăng dưới 4%.
“Lạm phát tâm lý rất nguy hiểm và chúng ta đã từng chứng kiến. Bộ Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu cho nhân dân trong bất cứ tình huống nào”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để kiểm soát lạm phát ở mức 4% như mục tiêu đề ra, Quốc hội cần phải xem xét hết sức thận trọng việc Bộ Tài chính tiếp tục muốn tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên mức kịch khung. Bởi nếu tăng thuế môi trường sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế, làm tăng thêm gánh nặng cho người nghèo.
Bên cạnh đó, với những mặt hàng do Nhà nước định giá, Chính phủ nên giãn hoặc lùi thời gian điều chỉnh tăng để tránh tác động trực tiếp lên mặt bằng giá cả./.
Bình luận