Nhìn nhận gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết, theo TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn “bạo bệnh” và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn.

“Thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra…”, ông Phước cảnh báo.

Tiếp sức cho kinh tế hồi sinh, dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn
Theo TS. Trương Văn Phước, Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân phục hồi. Ảnh: Quốc hội
Tiếp sức cho kinh tế hồi sinh, dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát. Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế,

Lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ hết sức lưu tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Liên quan đến dư địa của chính sách tiền tệ để góp sức cùng với chính sách tài khoá cho phục hồi nền kinh tế, ông Phước phân tích, dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn. Với mức lạm phát đến cuối tháng 10/2021 vẫn thấp (CPI < 2%, lạm phát cơ bản < 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn. Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống…

“Một số các chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023, để giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Về hệ số rủi ro tín dụng, trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR, thì các doanh nghiệp chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được vốn tín dụng. Tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023...”, ông Phước đề xuất.

Ông còn đề xuất, Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được.

Về hướng hỗ trợ chính sách tài khóa để có nguồn lực tài chính trong các gói kích thích, hỗ trợ, ông Phước nhìn nhận, với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước. Tham khảo kinh nghiệm các nước về ngân hàng trung ương vừa mua trực tiếp trái phiếu kho bạc, vừa tiến hành hoạt động repo (mua đi, bán lại trái phiếu), thì nên xem xét việc Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ, để vừa là hành động hỗ trợ ngân sách nhà nước, vừa nắm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ: bơm tiền (mua trái phiếu Chính phủ), hút tiền (bán trái phiếu Chính phủ) cho các tổ chức tín dụng.

Liên quan đến hướng phối hợp chính sách tiền tệ và tài khoá, ông Phước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các tổ chức tín dụng, bao gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua trái phiếu Chính phủ. Đây là quan hệ trên thị trường sơ cấp. Các hoạt động trên thị trường thứ cấp nên để các nhà đầu tư tham gia hoạt động. Việc Kho bạc Nhà nước gần đây triển khai mua lại trái phiếu Kho bạc do tiền ngân sách tạm thời nhàn rỗi lẽ ra là hoạt động của ngân hàng trung ương./.