Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng thúc đẩy thị trường bất động sản đang thế nào?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trả lời về triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng thúc đẩy thị trường bất động sản. Ảnh: VGP |
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước được giao chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là bốn ngân hàng thương mại nhà nước cho chủ đầu tư và người mua nhà trong dự án nhà ở xã hội cho công nhân, các dự án cải tạo chung cư cũ, cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường và các ngân hàng khác nếu đủ điều kiện có thể tham gia thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP, ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Triển khai Nghị quyết của Chính phủ, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng, khẩn trương làm việc với bốn ngân hàng thương mại nhà nước, trao đổi những thông tin có liên quan để triển khai chương trình này. Và đến ngày 1/4/2023 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại và các chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước tại 63 tỉnh, thành phố thông báo một số thông tin có liên quan đến chương trình này và một số nội dung chính như:
(i) Ai là người cho vay? Trước hết là bốn ngân hàng thương mại nhà nước gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank.
(ii) Cho vay đối tượng nào? Một là cho công nhân và các dự án cải tạo chung cư cũ.
(iii) Ai là người vay? Chủ đầu tư các dự án như đã nói ở trên. Thứ hai là người mua nhà.
Còn về lãi suất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo Nghị quyết của Chính phủ, lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng thương mại.
"Ngân hàng Nhà nước cũng xác định luôn trong kỳ này lãi suất thay đổi 6 tháng/lần và từ nay đến 1/6, lãi suất đối với chủ đầu tư sẽ là 8,7%/năm, lãi suất đối với người mua nhà là cá nhân là 8,2%. Tức là thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thông thường của bốn ngân hàng thương mại nhà nước. Thời gian ân hạn là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà", Phó Thống đốc cung cấp thông tin.
Phó Thống đốc cũng xác định đây là dự án rất dài hạn, nên Ngân hàng Nhà nước cũng quy định phương án giải ngân rất dài, bắt đầu từ ngày 1/4, tức là ngày ban hành công văn cho đến 31/12/2030.
Về nguồn vốn, Phó Thống đốc cho biết, bốn ngân hàng thương mại sẽ tự huy động bằng nguồn vốn huy động của mình để cho vay những đối tượng này.
"Các ngân hàng khác mà muốn tham gia thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cho phép tham gia với điều kiện tuân thủ các điều kiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước", ông Hà cho hay.
Phó Thống đốc khẳng định, chương trình phải triển khai ngay từ ngày 1/4 và trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại có thể tham gia. Các đối tượng liên quan đến chương trình cho vay này có thể liên hệ với các ngân hàng thương mại để có thể triển khai thủ tục vay theo quy định của pháp luật.
"Ngân hàng Nhà nước đã bám sát thị trường, xác định lãi suất là ưu tiên, cố gắng có thể giảm lãi suất và sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước là chủ động giảm 3 mức lãi suất điều hành và lãi suất cho vay được ưu tiên", Phó Thống đốc cung cấp thêm thông tin.
Cụ thể, ngay khi số liệu vĩ mô quý I được công bố ngày 29 thì ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở đánh giá tình hình lạm phát và các cân đối lớn đã xác định điều chỉnh tiếp 7 mức lãi suất chủ chốt còn lại đến ngày hôm nay.
"Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động, linh hoạt, kịp thời giảm mức lãi suất. Đến ngày hôm nay, cơ bản lãi suất điều hành, lãi suất chủ chốt trên thị trường đã được giảm với mục tiêu là hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, không chủ quan với lạm phát", Phó Thống đốc nhấn mạnh./.
Bình luận