Phương án miễn thuế kéo dài trong 10 năm khó khả thi

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình Chính phủ, trong đó đề xuất 2 giải pháp và kiến nghị 2 phương án về thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Theo đó, với phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 5 năm, kể từ ngày 01/01/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Sở dĩ chọn mốc 5 năm, vì Việt Nam đang trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhau. Do tác động nặng nề của dịch bệnh và biến động địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của kế hoạch 5 năm 2021-2025 đã chậm lại đáng kể.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế trong thời hạn 5 năm 2026-2030, theo Bộ Tài chính sẽ góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với cây lâu năm. Ngoài ra, miễn thuế trong giai đoạn 5 năm cũng tương ứng và phù hợp với các điều kiện cam kết về hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần hỗ trợ người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế đối với đất nông nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người nông dân.

Tuy nhiên, “điểm trừ” của phương án trên là với mức ưu đãi 5 năm, thì khó có thể thu hút được các dự án đầu tư vào nông nghiệp dài hạn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 là miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong vòng 10 năm, kể từ ngày 01/01/2026 – 01/01/2036. Song phương án này được đánh giá khó khả thi, vì bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường, trong trường hợp cần thiết sẽ khó có thể điều chỉnh chính sách khi cần phải có chính sách thuế để điều tiết. Thời gian miễn thuế dài sẽ tăng áp lực lên ngân sách nhà nước.

Do vậy, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 1 là tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và thời gian miễn thuế sẽ áp dụng trong 5 năm để phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp, đời sống khu vực nông thôn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dự kiến chủ trương trên sẽ được Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua đề nghị bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 vào tháng 9/2024. Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).

Tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết

Đánh giá về 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, chính sách miễn, giảm thuế này là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, đồng thời hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế...

Trong 20 năm qua, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm trong giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Từ những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn khá ít, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các tổ chức trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Mặt khác, đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp cũng cần tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo, nhằm hỗ trợ, khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với các chính sách khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó ngày phát huy lợi thế, tiềm năng lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ với vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế trước các biến động khó lường của bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới, mà còn ngày càng có đóng góp lớn và bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới đây./.