Tích cực phối hợp liên ngành trong quản lý giá sữa

Trong báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về công tác điều hành giá năm 2015, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo chủ trương của Chính phủ.

Bắt đầu từ ngày 1/12/2014 các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ không phải thực hiện đăng ký giá mà chuyển sang thực hiện kê khai giá.

Mặc dù vậy, Bộ Tài chính khẳng định, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết tháng 5 năm 2015.
Cùng với đó, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về giá đối với tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn.
Trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp giá trần (hết ngày 31/5/2015), Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các địa phương và các cơ quan liên quan tổng kết đánh giá kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá và đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Thông tin với báo giới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, qua thời gian xác định giá trần tối đa và thực hiện các biện pháp bình ổn giá, cùng với Sở Tài chính các địa phương, chúng tôi xác định được 582 dòng sản phẩm áp giá tối đa.
Thời gian qua, 582 dòng sản phẩm này đã giảm giá từ 0,1%-34% tùy từng dòng sản phẩm, so với trước khi áp giá trần. Đây là dấu hiệu tích cực trên thị trường sữa, tác động tích cực đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi diến biến giá cả, các yếu tố đầu vào để có các biện pháp tiếp theo.
Theo báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mức giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 0,1%-34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quản lý giá sữa

Trong một diễn biến khác, cũng liên quan đến vấn đề quản lý giá sữa, đầu tháng 1/2015, Bộ Tài chính chính thức có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật Giá và các luật có liên quan.

Văn bản viết: “Bộ Tài chính nhận thấy Bộ Công thương là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá đối với sản phẩm sữa là phù hợp”.

Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, thực tế thời gian vừa qua, để quản lý giá sữa, đặc biệt đối với mặt hàng sữa nhập khẩu, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng, từ khâu nhập khẩu đến khâu lưu thông trên thị trường. Khía cạnh khác mà Bộ Tài chính muốn chuyển quản lý giá sữa sang Bộ Công Thương là hiện trên thị trường có tình trạng thao túng, độc quyền, làm giá của các doanh nghiệp.

Cơ quan có chức năng chủ trì ngăn chặn phòng vệ thương mại và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương).

Đưa ra nhiều lý do, Bộ Tài chính kiến nghị: “Bộ Công Thương là đơn vị hiểu rõ để cân nhắc đến lợi ích của các quốc gia, lợi ích của các thành viên tham gia trong các tổ chức, cũng như những bất lợi để nhằm hạn chế tối đa khi thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong nước”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tích cực thực hiện chức năng phối hợp với Bộ Công Thương để quản lý giá sữa theo đúng quy định./.