Ngày 07/9/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến chuyên sâu về Việt Nam với chủ đề “Việt Nam – ngôi sao đang lên”, thu hút sự tham dự của lãnh đạo của các doanh nghiệp đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động thu hút đầu tư tập trung vào khu vực ASEAN của Ngân hàng Standard Chartered, khởi đầu là Diễn đàn Kinh doanh ASEAN Standard Chartered 2020 được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4.700 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

“Việt Nam – ngôi sao đang lên” trong thu hút đầu tư

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong nhiều năm qua, nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đã có quá trình tái cơ cấu đầu tư và định vị lại chuỗi cung ứng.

Gần đây, khi bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đang có những diễn biến phức tạp, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, và đặc biệt tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các tập đoàn đa quốc gia đã đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đa dạng hóa đầu tư, nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác.

“Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng, đồng thời với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao, trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng phát biểu.

Trong bối cảnh FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, dẫn số liệu thu hút FDI trong 8 tháng đầu năm của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD, đặc biệt vốn đăng ký mới tăng 6,6%, vốn đăng ký mở rộng và tăng thêm tăng 22,2%, Bộ trưởng khẳng định: “Những con số này rất đáng khích lệ, khẳng định nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ và các cấp chính quyền trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, phù hợp với định hướng của Việt Nam. Đó là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, cam kết hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, gắn với đào tạo nguồn nhân lực”.

Đồng tình với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng chỉ rõ, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội và các chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Với những yếu tố nền tảng mạnh mẽ như dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và một nền kinh tế mở, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á Nirukt Sapru khẳng định, Việt Nam tiếp tục mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã quan tâm thiết lập hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhằm tận dụng khoảng cách địa lý gần và khả năng kết nối với ASEAN để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

“Đại dịch Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài thêm một thời gian nữa, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản chúng ta tìm kiếm các cơ hội và đưa ra những chiến lược mới để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam”, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng. Ảnh: Sbv.gov.vn

Chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư

Thời gian vừa qua, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao cũng như thu hút đầu tư các tập đoàn lớn trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động chuẩn bị các điều kiện đầu vào cho các hoạt động đầu tư, như: (i) chuẩn bị hạ tầng đất đai, mặt bằng sạch; (ii) đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; (iii) tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia; (iv) thành lập Tổ Công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.

“Đồng thời, ngay trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) đã được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hoá các hình thức đầu tư, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí và có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam...”, Bộ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cũng đã được Quốc hội thông qua mở ra hướng hợp tác mới, rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn giữaViệt Nam và EU.

“Hai Hiệp định này cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do khác, được xem như các tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20”, Bộ trưởng vui mừng chia sẻ thông tin.

Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc thực hiện đồng thời cả Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.

Với mạng lưới kết nối rộng khắp trên thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Ngân hàng Standard Chartered tăng cường sự kết nối các nhà đầu tư, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, cùng với Việt Nam xây dựng các trung tâm, cơ sở chuyên biệt để đem lại động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Trung tâm tài chính quốc tế…

“Trên chặng đường phát triển đất nước tới đây, chúng tôi mong muốn luôn có sự đồng hành của các bạn, để chúng ta cùng nhau hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên. Thành công của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh quan điểm.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và quản lý khu vực ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN luôn chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ổn định vĩ mô, ổn định tiền tệ, tỷ giá, và phát triển lành mạnh một khu vực ngân hàng có khả năng chống chịu cao và kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, qua đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các mọi thành phần kinh tế, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây những tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế xã hội, Chính phủ và NHNN đã có các giải pháp nhằm linh hoạt, kịp thời ứng phó để giảm thiểu tác động tiêu cực và khi được, biến thách thức thành cơ hội.

Về phía NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời cả trong điều hành chính sách tiền tệ, thanh toán và quản lý khu vực ngân hàng.

NHNN đã hai lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, giảm trần lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng lẫn người vay được tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp hơn.

Thống đốc cũng cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt phù hợp với cung cầu thị trường; chủ động truyền thông để giữ vững niềm tin của công chúng; ban hành khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, miễn giảm các phí dịch vụ thanh toán; tiếp tục các nỗ lực cải cách và thanh tra giám sát khu vực ngân hàng nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hệ thống.

“Trước những thách thức và cơ hội đặt ra cho nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và môi trường đầu tư, thương mại toàn cầu có nhiều biến động, NHNN sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác dự báo, xây dựng và cập nhật những kịch bản có thể xảy ra và triển khai các hành động chính sách phù hợp để một mặt hỗ trợ tăng trưởng, mặt khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hiệu quả cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài”, Thống đốc cho hay.

Riêng về hệ thống ngân hàng, lãnh đạo NHNN cho hay, trong giai đoạn 2021-2025, NHNN sẽ tiếp tục đặt ưu tiên cho việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ-ngân hàng, cụ thể như sửa đổi Luật Các Tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, bổ sung một số quy định mới… tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, đổi mới theo hướng chuyển nhanh và mạnh từ thanh tra tuân thủ sang thanh tra giám sát trên cơ sở rủi ro, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI

“Thành công của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam”

Phiên thảo luận tại Hội nghị có sự tham gia của Tổng Giám đốc RB Health Vietnam Soren Bech, Tổng Giám đốc BW Industrial Development và C. K. Tong và được điều phối bởi Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Nirukt Sapru và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á và Thành viên độc lập không điều hành của Hội đồng thành viên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Nguyễn Xuân Thành.

Các diễn giả đã bày tỏ quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam 10 năm giai đoạn 2021-2030, vai trò của đầu tư nước ngoài trong Chiến lược này, những chính sách quan trọng sắp tới để tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi hơn cho hoạt động M&A ở Việt Nam với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa như thế nào với các ngành dịch vụ quan trọng để làm nền tảng cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy năng suất…

Chia sẻ về các vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam hiện vẫn còn đang trong quá trình tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để hoàn thiện.

Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, với nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Quan điểm về phát triển kinh tế mang tính nguyên tắc, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế mới. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cùng với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong chiến lược phát triển mới, đầu tư nước ngoài được xác định tiếp tục là nguồn vốn quan trọng, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

Về hoạt động M&A, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định của pháp luật hiện hành đối với hoạt động này đã được thông thoáng, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện hơn nữa cho nhà đầu tư theo hướng giảm bớt các thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện hoạt động M&A tại Việt Nam. Đồng thời, bổ sung các nguyên tắc thu hút đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng.

Về cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam được thực hiện theo cam kết của WTO.

Tuy nhiên, gần đây tại một số FTA thế hệ mới đã được ký kết, trong đó Việt Nam cam kết mở cửa thị trường thông thoáng hơn nữa. Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung quy định về việc tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc “chọn bỏ”, theo đó, ngoài lĩnh vực thuộc Danh mục ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận và tiếp cận có điều kiện thì nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như đối với nhà đầu tư trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cụ thể hóa nội dung này tại Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2020 và hoan nghênh mọi đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về quy định này.

“Cơ hội đã có, để vượt qua thách thức, khó khăn hiện nay, với khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, chúng tôi nhận thức Việt Nam cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, đổi mới tư duy, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo trong quá trình triển khai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định./.