Tìm giải pháp ổn định ngành chăn nuôi lợn
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 15 năm qua, chăn nuôi Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, bình quân 5%-6%/năm. Đến năm 2016, sản lượng thịt các loại đã tăng gấp gần 3 lần sau 15 năm, đạt 5,2 triệu tấn (thịt lợn chiếm 3,9 triệu tấn). Tuy nhiên giá lợn thịt đang thấp nhất từ trước đến nay trong lịch sử và cũng là thấp nhất trên thế giới. Hiện giá thịt lợn hơi chỉ khoảng 28.000 đồng/kg, một số nơi chỉ 25.000 đồng/kg.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguyên nhân là nguồn cung thịt lợn quá lớn dẫn tới dư thừa. Việc phát triển nóng dẫn đến hậu quả nguồn cung trên thị trường tăng mạnh.
Bên cạnh đó là khâu chế biến trong nước còn rất yếu. Bộ trưởng cho rằng trong nước chủ yếu bán thịt tươi, chưa có chế biến, bảo quản lâu dài. Giá trị gia tăng của thịt lợn không cao.
Đồng thời, khâu tổ chức thị trường kém. Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, xuất khẩu không đáng kể. Việc quy hoạch các lò giết mổ trên cả nước có nhiều nhưng thực hiện rất yếu, chưa đạt hiệu quả để tăng cường giá trị gia tăng trong chuỗi.
Ngoài ra, việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ trong dân nhiều, chưa có tổ chức quy mô lớn, tập trung, liên kết trong chuối yếu kém. Người chăn nuôi gặp nhiều rủi ro trước những biến động thị trường.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi tính toán, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi hơn 9.000 đồng/kg, 4kg thức ăn mới được 1kg thịt hơi. Và với giá bán như hiện nay thì chắc chắn người chăn nuôi lỗ nặng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc
Các đại biểu tham dự đều cho rằng cần phải giảm giá thức ăn chăn nuôi và con giống để hỗ trợ người nông dân. Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Kiến nghị tạm dừng tạm nhập tái xuất thịt lợn để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay, giành thị trường cho thịt lợn nội địa.
Đồng tình với ý kiến các đại biểu, ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam chia sẻ: “Ngay từ tuần trước Dabaco đã giảm giá thức ăn từ 5%-7% cho người chăn nuôi, giá bán lợn giống cũng bắt đầu giảm. Dabaco còn tăng cường các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ người chăn nuôi để họ hiểu rõ vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Thời gian tới Dabaco sẽ tiếp tục nghiên cứu giảm giá đầu vào thức ăn, giống nếu tình hình vẫn khó khăn”.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới cần cần tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Tổ chức lại chăn nuôi nông hộ dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ…nhằm giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra và củng cố các biện pháp về kỹ thuật.
Đồng thời, phải nhanh chóng giảm số lượng lợn thịt, đặc biệt là từ số lượng lợn nái từ 4,2 triệu con hiện nay xuống 3 triệu con vào năm 2020.
Cần tăng cường chế biến sâu không để tình trạng bán tươi theo cách cổ truyền tiếp diễn và đặc biệt, hướng đến xuất khẩu chính ngạch thịt lợn ra thế giới, trong đó quan trọng nhất là thị trường Trung Quốc.
Nhân dịp hội nghị cấp cao APEC tại Việt
Bình luận