Liên quan đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại Chỉ thị số 06, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng; điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường, hỗ trợ thúc đẩy tín dụng vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu, tạo đà cho khôi phục kinh tế trong bối cảnh diễn biến mới của dịch COVID-19; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng mới, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung nghiên cứu, xử lý hài hòa, có hiệu quả các cân đối lớn trong phát triển đất nước để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó chú trọng việc mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; phát triển nhanh nền kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; phát huy cả nội lực và ngoại lực; vừa xác định mục tiêu ngắn hạn, vừa tính đến mục tiêu dài hạn, bền vững; bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia và các cân đối vĩ mô khác.

Năm 2020, dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19 khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng

Trong bức tranh phân bổ tín dụng năm 2020, trao đổi với báo chí cuối năm ngoái, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2020, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, so với cuối năm 2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 10,4%; tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 9,8%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11%. Dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 8,63% (chiếm 8,59% tổng dư nợ toàn nền kinh tế); ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,9% (chiếm 28,38%); ngành thương mại dịch vụ tăng 11,5% (chiếm 63,03%)…

Thực tế, năm 2020, chịu tác động của đại dịch Covid-19, mọi hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng và đình trệ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai phức tạp liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề tới sản xuất và đời sống của người dân. Hoạt động của ngành ngân hàng bị tác động trên cả 2 khía cạnh. Thứ nhất, cầu tín dụng thấp mặc dù các tổ chức tín dụng đã đưa ra nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, quy mô lớn. Thứ hai, khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng đúng hạn, trong đó dư nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19 khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 26% tổng dư nợ toàn hệ thống; khoảng 45 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ miền Trung, Tây nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gia tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Về định hướng chung của toàn ngành ngân hàng năm 2021, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN, định ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh việc thúc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, công việc trọng tâm khác của NHNN năm 2021 là xây Đề án cơ cấu lại hệ thống và xử lý nợ xấu đến 2025. Lãnh đạo NHNN cho biết, nếu đại dịch không xảy ra thì mục tiêu Quốc hội đặt ra trong việc giảm nợ xấu của ngành về dưới 3% giai đoạn 2016-2020 hoàn tất trong tầm tay. Tuy nhiên, đại dịch là biến cố bất ngờ, gây ra những khó khăn chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý nợ xấu của ngành. “Đại dịch là rủi ro khách quan, NHNN quan điểm rằng, nợ xấu phát sinh thêm từ biến cố đại dịch không phải do lỗi của doanh nghiệp, hay của các ngân hàng. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu tiếp tục là trọng tâm của NHNN trong năm 2021”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết./.