Tín dụng ngân hàng trên 140% GDP: TTCK cần “bước nhanh” để tạo sự cân bằng
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế
Tín dụng ngân hàng Việt Nam đã trên 140% GDP
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140% và nếu để tỷ lệ tín dụng/GDP tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Thống đốc cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay là 40%.
Dù vậy, theo Thống đốc, tín dụng chảy vào hai lĩnh vực nóng là chứng khoán và bất động sản vẫn trong tầm kiểm soát. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… để đảm bảo an toàn hệ thống. Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.
Liên quan đến dòng chảy tín dụng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo, ngành ngân hàng rà soát lại toàn bộ các công việc trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định pháp luật liên quan đến ngành và căn cứ vào thực tiễn triển khai, chức năng nhiệm vụ của ngành, đảm bảo nguyên tắc hoạt động của Đảng, dự báo và có giải pháp những vấn đề phát sinh. Sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế. Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN xây dựng kịch bản ứng phó dịch COVID-19 của ngành ngân hàng, cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất nhưng không được hạ chuẩn cho vay tránh gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng. Đồng thời, làm việc với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo môi trường, điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực.
Cấu trúc thị trường vốn còn lệch về kênh tín dụng
Sau hơn 20 năm Việt Nam xây dựng thị trường chứng khoán, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam đã được định hình rõ nét, gồm hai cấu phần chính là thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng trung, dài hạn. Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong 2 thập kỷ đầu tiên phải trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đã tạo nên một kênh dẫn vốn hữu hiệu trong nền kinh tế. Nếu như năm 2000, khi thị trường chứng khoán mới mở cửa, vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP, các doanh nghiệp hầu như phải huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, thì sau 2 thập kỷ, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối năm 2020 tương đương 83% GDP năm 2019. Hàng trăm ngàn tỷ đồng đã được các doanh nghiệp, các ngân hàng huy động qua thị trường chứng khoán, tạo nên bức tranh cân đối hơn của thị trường vốn Việt Nam.
Tuy nhiên, thị trường vốn Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Trên thị trường tín dụng, thách thức hiện hữu là các ngân hàng khó tăng năng lực tài chính, trong khi nguy cơ nợ xấu ngày một dày lên, do hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Cùng với đó, nhiều hình thái tín dụng, thanh toán gắn công nghệ với tài chính xuất hiện, trong khi Việt Nam chưa có chính sách để quản lý.
Gợi mở giải pháp phát triển cân bằng thị trường vốn là một trong những chủ điểm được đề cập tại Diễn đàn thị trường vốn 2021 mới đây
Trên thị trường chứng khoán, sự phát triển của TTCK Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trên cả 3 trụ cột, đó là thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công thông qua việc trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Ngân sách Nhà nước; tạo kênh huy động vốn trong nền kinh tế… Tuy nhiên, vốn hóa toàn TTCK Việt Nam tăng lên hàng năm (theo sự niêm yết mới của doanh nghiệp), nhưng số vốn doanh nghiệp thực tế huy động qua TTCK chiếm tỷ lệ còn thấp so với GDP.
Theo thống kê được chia sẻ bởi TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, năm 2006, TTCK huy động được 40 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế. Năm 2019, con số này là 320 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Năm 2020, tổng mức huy động trên TTCK ước đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, trên 300.000 tỷ đồng trong số này là do Chính phủ huy động qua kênh trái phiếu chính phủ.
Năm 2021, dòng chảy vốn huy động qua TTCK được kỳ vọng sẽ tích cực hơn, khi TTCK khởi sắc, tăng cả về thanh khoản và điểm số. Một thống kê gần đây cho biết, hiện có gần 60 doanh nghiệp công bố kế hoạch huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu trên TTCK, với giá trị huy động khoảng 45.000 tỷ đồng.
Nếu TTCK Việt Nam giữ được đà tăng trưởng và chính sách tạo thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp gọi được vốn mới, sẽ tạo cơ hội cho thị trường vốn Việt Nam phát triển cân bằng hơn trong tương lai./.
Bình luận