Theo thông tin được cập nhật tại Hội thảo trực tuyến: Ngừng áp dụng lãi suất Libor: Chuẩn bị và sẵn sàng cho sự chuyển đổi, do Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) phối hợp với Bloomberg vừa tổ chức, Cơ quan kiểm soát tài chính của Vương Quốc Anh (FCA), là tổ chức quản lý trực tiếp về Libor của 5 đồng tiền chính gồm: USD, EUR, Bảng Anh (GBP), Yên Nhật (JPY) và Fran Thụy Sĩ (CHF) đã đưa ra tuyên bố về chấm dứt Libor vào cuối năm 2021 đối với tất cả kỳ hạn Libor cho đồng EUR, GBP, JPY, CHF và Libor cho đồng USD kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và chấm dứt tất cả các kỳ hạn còn lại (1 tháng, 3 tháng và 6 tháng) của Libor cho đồng USD vào giữa năm 2023.

Tổ chức tài chính Việt Nam cần sẵn sàng cho ngừng áp dụng lãi suất Libor

Các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi tại hội thảo trực tuyến. Ảnh: VBMA

Có rất nhiều lãi suất tham chiếu phi rủi ro đang được các nước công bố như: SOFR (USD), Reformed SONIA (GBP), €STR (EUR), TONA (JPY)… Libor được công bố cho nhiều đồng tiền khác nhau, trong khi SOFR chỉ cho USD, dẫn đến việc tính toán lãi suất cho nhiều hợp đồng ngoại hối khác nhau ở các quốc gia khác nhau sẽ khó đồng nhất và gặp khó khăn.

Về chuyển giá, do SOFR luôn thấp hơn Libor, nên việc việc chuyển đổi phải đảm bảo chuyển ngang giá, nếu không có thể ảnh hưởng đến bên vay và dẫn đến nguy cơ phát sinh rủi ro bên vay kiện ngân hàng chuyển đổi nâng lãi suất đối với khách hàng. Hệ thống ngân hàng cần được nâng cấp để tính toán cho SOFR, nên sẽ tốn chi phí và thời gian của các thành phần tham gia thị trường…

Quá trình chuyển đổi Libor có thể chia ra thành 2 nhóm nước gồm: các quốc gia đã xây dựng lãi suất thay thế như: Anh (SONIA), Thụy Sĩ (SARON), EUR (ESTR), Nhật Bản (TONA)... và các nước có lãi suất liên ngân hàng gắn với Libor, tức là họ sử dụng đường cong lãi suất ngắn hạn của quốc gia mình; nhóm các nước châu Á như: Singapore (SOR); Thái Lan (THBFIX); Ấn Độ (MIFOR) và Philippines (PHIREF) với đường cong lãi suất dựa trên các giao dịch FX kỳ hạn và gắn với lãi suất Libor USD, thì đang trong tiến trình chuyển đổi.

Trước thực tế trên, các khuyến nghị được đưa ra là cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần xem xét ban hành hướng dẫn về quá trình chuyển đổi Libor cho các tổ chức tài chính đối với các hợp đồng phái sinh, hợp đồng vay và phát hành giấy tờ có giá, đồng thời có các khuyến nghị về ngừng sử dụng Libor từ đầu năm 2022.

Về phần mình, các tổ chức tài chính Việt Nam cần xây dựng hệ thống, đafo tạo cán bộ sẵn sàng cho sự thay đổi trên. Phía Việt Nam cũng cần có kênh trao đổi với các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội Quốc tế về Hoán đổi và Phái sinh (ISDA), Hiệp hội vay vốn quốc tế (LMA) về các mẫu hợp đồng khung, cũng như các vấn đề chuyển đổi để nắm bắt kịp thời về diễn biến trên thị trường quốc tế và áp dụng với các thành viên trên thị trường tại Việt Nam./.