TP. Hà Nội: 99,21% đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa được cấp giấy chứng nhận
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, hiện nay toàn Thành phố đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tăng 2.562,6ha so với cuối năm 2015. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa là 1.836,9ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi, quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới.
TP. Hà Nội cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa
Qua công tác dồn điền đổi thửa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cũng nhờ dồn điền đổi thửa mà diện tích đất sản xuất nông nghiệp dôi dư do phá vỡ bờ vùng, bờ thửa, diện tích trước đây giao không đúng quy định được gần 1.836,9ha đưa vào quỹ đất công của xã để quy hoạch phục vụ xây dựng NTM.
Trong giai đoạn 2016-2020, Thành ủy Hà Nội xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa là khâu đột phá, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, áp dụng cộng nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, các huyện, thị xã đã cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa với số lượng 617.964/622.861 (đạt 99,21%). Trên địa bàn Thành phố chỉ còn 4.897 giấy chứng nhận chưa cấp được (chiếm 0,79%), là những trường hợp khó khăn, vướng mắc do người đứng tên trên giấy chứng nhận không có mặt tại địa phương, chủ đất đã chết, trong gia đình chưa thỏa thuận được di sản thừa kế, tranh chấp, khiếu kiện, chuyển nhượng không có giấy tờ, chủ đất không hợp tác kê khai…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội, từ hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đều được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn, tiêu chí nông thôn mới. Cơ giới hóa cũng đã và đang được các xã, hợp tác xã và cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như làm đất, gieo cấy và thu hoạch, tiêu biểu như hầu hết các xã thuộc huyện Phú Xuyên và một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ, Đông Anh...
Mỗi hộ gia đình trước dồn điền, đổi thửa trung bình có từ 10-15 ô, thửa, thậm chí 27-39 ô, thửa như ở Sóc Sơn, Chương Mỹ... đến nay, chủ yếu chỉ còn 1-2 ô, thửa, thuận lợi cho người dân trong tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu. Hầu hết người dân nông thôn Hà Nội tin tưởng hơn vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Thành phố./.
Bình luận