Trái với kỳ vọng, giá xăng chỉ giảm nhỏ giọt
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông cáo về việc điều hành giá xăng dầu trong nước. Ở lần điều chỉnh này các mặt hàng dầu có mức giảm giá khá mạnh, trong khi mặt hàng xăng lại giảm ít hơn.
Mức điều chỉnh cụ thể như sau:
Mặt hàng | Giá bán lẻ hiện hành | Giá tối đa mới | Chênh lệch |
Xăng RON 92 | 20.380 | 20.120 | 260 |
Xăng sinh học E5 | 20.050 | 19.625 | 425 |
Dầu diesel | 15.790 | 14.681 | 1.112 |
Dầu hỏa | 14.870 | 13.750 | 1.128 |
Dầu madút | 12.670 | 11.434 | 872 |
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá dầu như hiện hành và ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Như vậy, sau khi điều chỉnh, giá xăng RON 92 không cao hơn mức giá 20.120 đồng/lít; xăng E5 không cao hơn 19.625 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 14.681 đồng/lít; dầu hỏa 13.750 đồng/lít và dầu madut không cao hơn mức giá 11.434 đồng/kg.
Lần điều chỉnh giá gần đây nhất, ngày 04/07, giá xăng, dầu trong nước đã đồng loạt được điều chỉnh giảm từ 221-424 đồng/lít, kg tùy từng mặt hàng. Hiện giá xăng bán lẻ trong nước ở mức giá 20.380 đồng/lít.
Cùng với việc điều chỉnh giá, cơ quan quản lý cũng yêu cầu ngừng sử dụng quỹ Bình ổn đối với các mặt hàng xăng, vốn đang ở mức 362-527 đồng một lít.
Trước đó, giá xăng đã có 7 lần điều chỉnh từ đầu năm, với 4 lần tăng liên tiếp xen kẽ 3 lần giảm. Mức bán lẻ cao nhất được ghi nhận trong lần điều chỉnh ngày 19/06, khi một lít xăng RON 92 được bán với giá 20.710 đồng một lít
Từ tháng 5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được áp dụng tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít, dầu diesel từ 500 đồng lên 1.500 đồng. Ngược lại, cơ quan điều hành cũng tiến hành giảm thuế nhập khẩu và cam kết điều chỉnh thuế môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2015, cả nước đã nhập 1,4 triệu tấn xăng với mức chi 875 triệu USD, tương ứng giá xăng là 629 USD/tấn. Trong khi đó, cùng thời điểm năm ngoái, giá nhập khẩu xăng là 1.000 USD/tấn.
Thực tế cho thấy, giá xăng thế giới so với cùng kỳ đã giảm đáng kể nhưng giá bán lẻ trong nước không giảm tương ứng. Năm ngoái là 22.000 đồng/lít thì năm nay vẫn khoảng 18.000 đồng/lít. Điều này chứng tỏ, chúng ta đang để quá nhiều loại phí, thuế, quỹ bình ổn… xen vào giá xăng khiến giá bán lẻ trong nước không phản ánh đúng tình hình thực tế giá thế giới. Do vậy, dù có tính toán mức chênh lệch theo đúng nguyên tắc thì vẫn khó có thể dự báo được khả năng điều chỉnh của cơ quan nhà nước bởi còn phải cân nhắc nhiều công cụ khác.
Còn theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội thế giới thì trong ngắn hạn, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong tháng 07/2015, giá mặt hàng này có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Như vậy, cơ hội giảm giá xăng dầu tuy có, nhưng mức giảm có đúng với kỳ vọng của người tiêu dùng hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp./.
Bình luận