Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương. Thông điệp trong hoạt động của Tổ công tác đặc biệt là tích cực tháo gỡ khó khăn, lắng nghe, giải thích cho địa phương ngay và ghi nhận sửa đổi các văn bản pháp quy. Các Bộ cũng vào cuộc tích cực với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong hoạt động này.

“Trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nếu tháo gỡ được khó khăn của các dự án sẽ giúp giải phóng được nguồn lực là rất tốt cho nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định.

Trên tinh thần đó, sau khi trao đổi với tỉnh Quảng Ninh vào buổi sáng, chiều cùng ngày 01/9/2021, Tổ công tác do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư tại TP. Hà Nội.

Trao đổi với TP. Hà Nội,
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư đã tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại TP. Hà Nội tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hà Nội tổng hợp 25 vướng mắc trong 3 nhóm dự án đầu tư

Tại Hội nghị, UBND TP. Hà Nội đã tổng hợp 25 khó khăn, vướng mắc trong 3 nhóm dự án: Đầu tư công; Sản xuất, kinh doanh; và dự án đối tác công -tư (PPP).

Cụ thể, đối với dự án vốn đầu tư công, UBND TP. Hà Nội đưa ra nhóm vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư. Theo đó nêu rõ, hiện nay, theo Luật Đầu tư công 2019, Ban Quản lý dự án (Chủ đầu tư) không được giao lập chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của HĐND Thành phố, mà chỉ giao cho cơ quan chuyên môn, gây khó khăn cho Thành phố trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Bên cạnh đó là các vướng mắc về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án cầu qua sông có đê, trong trường hợp bãi sông rộng.

Đặc biệt, chế độ, chính sách quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước có nhiều thay đổi, như: việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí tại Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ; Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 về vệc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/09/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiệu lực từ ngày 09/02/2021; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đối với các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, phương án thiết kế, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn chưa được pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể, vì vậy, việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Cùng với đó, quy trình, bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch cũng đang gặp nhiều vướng mắc.

UBND TP. Hà Nội đề nghị, cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét ban hành đồng bộ luật, nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn cùng thời điểm để giảm thời gian khi áp dụng thực tiễn, tránh việc khi luật mới ban hành phải chờ đợi nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn mới thực hiện được.

Về vướng mắc liên quan tới triển khai dự án, UBND TP. Hà Nội đưa ra các vướng mắc đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (giá trị dưới 20 tỷ đồng); Vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, phải kéo dài thời gian dự án nhiều năm.

Đại diện UBND TP. Hà Nội cũng chỉ ra các vướng mắc về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; sự bất cập trong việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đặc biệt là các vướng mắc khi chuyển tiếp áp dụng các quy định mới.

Đối với dự án đầu tư kinh doanh, đại diện UBND TP. Hà Nội đã đưa ra các vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở theo quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đối với Hà Nội, đất ở có giá trị thương mại rất cao, vì vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng là không phù hợp.

Về các vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện dự án đầu tư, UBND TP. Hà Nội đề nghị thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất Đai và các nghị định hướng dẫn đối với triển khai nhà ở thương mại trong các trường hợp chuyển mục đích sử dụng quỹ đất đang quản lý, sử dụng và nhận chuyển nhượng, góp vốn đất nông nghiệp hay các loại đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Hà Nội đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; đề nghị xem xét thông nhất về thủ tục giữa quy định về đầu tư và quy định về phát triển cụm công nghiệp.

Sớm “gỡ” khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh Sớm “gỡ” khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư họp rà soát những khó khăn, vướng mắc của các dự án
Sửa đổi Thông tư 06: Sẽ gỡ vướng việc xác định khoản nộp ngân sách Sửa đổi Thông tư 06: Sẽ gỡ vướng việc xác định khoản nộp ngân sách "m3"
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc, gỡ vướng về đầu tư công Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đôn đốc, gỡ vướng về đầu tư công

Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội đề nghị sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008, Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường để phù hợp với tình hình hiện nay và đồng bộ triển khai thực hiện các luật và quy định mới được ban hành.

Đề nghị các Bộ ngành rà soát, sớm ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với lĩnh vực chuyên ngành và xã hội hóa để thực hiện đồng bộ theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Nghiên cứu, sửa đổi quy định tại Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành Hà Nội.

Đề nghị thống nhất nội dung quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP với quy định liên quan của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án khi thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương dự án của doanh nghiệp nhà nước.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cũng đề cập tới các vướng mắc về việc giao chủ đầu tư dự án, giao lập quy hoạch chi tiết; việc xác định chủ đầu tư đối với các đơn vị đang quản lý, sử dụng đất và vấn đề chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô nhỏ.

Đối với dự án đầu tư PPP, đại diện UBND TP. Hà Nội đã đưa ra những vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, như: Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu của công trình PPP do nhà đầu tư thực hiện theo quy chế lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế… làm ảnh hưởng tiến độ và chất lượng công trình; Việc giám sát nghĩa vụ vốn chủ sở hữu; Việc thực hiện dự án khác trên quỹ đất được nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân, theo ông Đỗ Anh Tuấn, là do hiện nay chưa có quy định rõ về công tác quản lý, giám sát thực hiện dự án khác.

Liên quan đến triển khai thực hiện dự án đầu tư PPP, ông Tuấn cho biết, các quy định hiện hành liên quan không có quy định để thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án BT, dẫn đến khó khăn trong công tác thực hiện.

“Tại điểm c, Khoản 5 Điều 101 của Luạt Đầu tư có quy định về phương thức đối tác công tư, tuy nhiên chưa quy định rõ việc tiếp tục thực hiện quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết”, ông Tuấn chỉ rõ nguyên nhân vướng mắc.

Trao đổi với TP. Hà Nội,
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông kết luận Hội nghị

Hoàn thành giải đáp 25 vướng mắc ngay tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong buổi chiều, đã thảo luận được 25 vấn đề của 3 nhóm dự án: đầu tư công, đầu tư kinh doanh, PPP.

“Đây là đầu vào rất quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác, Thường trực Tổ công tác tiến hành rà soát, có những nội dung có thể hướng dẫn chung cho các địa phương thực hiện thống nhất”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cho biết, 4-5 vấn đề Hà Nội trùng với Quảng Ninh và đối với những nội dung đã rõ, Thứ trưởng Đông cho biết, Tổ công tác sẽ tham mưu cho Thủ tướng việc giao cho các bộ, ngành ban hành, sửa đổi Thông tư; hoặc Chính phủ ban hành sửa đổi một số nghị định.

“Tinh thần của Thủ tướng là rất mong muốn Tổ công tác sẽ chỉ ra được các vấn đề đúng và trúng để làm sao tháo gỡ khó khăn cho các nguồn lực ở các dự án rất quan trọng, đang vướng mắc chưa được giải ngân trong thực tế. Bên cạnh đó, tinh thần là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với công tác thanh tra, kiểm tra”, Thứ trưởng nêu bật tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Tổng hợp lại, Thứ trưởng Đông cho biết, đối với các vướng mắc dự án đầu tư công Hà Nội, 5 nội dung đã rõ, 6/11 nội dung sẽ được ghi nhận, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh, sửa đổi.

Đối với các vướng mắc của dự án sản xuất, kinh doanh, 6 nội dung đã rõ, 6/12 nội dung liên quan đến thẩm quyền của các luật, nghị định. Những nội dung này sẽ được tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền.

“Đối với các vướng mắc của dự án PPP cũng tương đối rõ, chúng tôi sẽ đưa ra hướng dẫn. Có nội dung cần phải trao đổi thêm, chúng tôi cũng đề xuất phương án xử lý”, Thứ trưởng kết luận.

Làm rõ nhiều vấn đề lớn liên quan tới đầu tư công

Riêng về các vướng mắc liên quan tới đầu tư công của TP. Hà Nội, Thứ trưởng Đông kết luận, các thành viên của Tổ công tác, các đại biểu của các bộ, ngành đã tập trung làm rõ nhiều vấn đề lớn.

Thứ nhất, về nội dung công tác báo cáo tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong luật quy định cơ quan chuyên môn, hoặc UBND cấp huyện, thì đây cũng là đề xuất của các địa phương, có thể bổ sung thêm ban quan lý dự án, đây là cơ quan trực tiếp làm chủ đầu tư, trực tiếp phê duyệt các thiết kế về dự toán, việc làm nhanh hơn.

“Đề xuất này của Quảng Ninh, chúng tôi đồng ý. Nhưng vấn đề này liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, chúng tôi sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền có thể bổ sung thêm ban quan lý dự án, giúp địa phương linh hoạt hơn trong quản lý. Trước mắt chưa sửa được thì các đồng chí thực hiện đúng quy định hiện hành, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi những nội dung trên”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ hai, vướng mắc liên quan đến dự án nhóm A, hiện nay thẩm quyền được giao xuống cho HĐND, quy định chưa rõ. “Đây là vướng mắc mà chúng tôi ghi nhận”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trước đây, Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000, 2005, việc cấp giấy Chứng nhận đầu tư nước ngoài được phân cấp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuống Sở kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý KCN, KKT và có điều khoản chuyển tiếp rất rõ. Theo đó, thẩm quyền đã chuyển cho cấp dưới thì cấp đó sẽ điều chỉnh luôn dự án đó.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư công chưa lường trước được điều này, nên “chúng tôi ghi nhận và sẽ sửa đổi để có điều khoản chuyển tiếp nói rõ hơn theo tinh thần, đã phân cấp rồi thì phân cấp cả điều chỉnh dự án, chứ như bây giờ, dù phân cấp rồi, nhưng cứ điều chỉnh lại phải báo cáo lại, thì không ý nghĩa”, Thứ trưởng ghi nhận.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, đề xuất có thể phân cấp cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp phó hoặc cơ quan chuyên môn. Đây là đặc thù cho các thành phố lớn, không chỉ Hà Nội, mà còn TP. Hồ Chí Minh. Cấp huyện cũng có quy mô rất lớn. “Chúng tôi ghi nhận và sẽ báo cáo cơ quan thẩm quyền bổ sung về nội dung này”, Thứ trưởng phát biểu.

Về dự án đầu tư công khẩn cấp, chia thành 2 nội dung rất cụ thể: Luật Đầu tư công chỉ dừng ở mức chấp nhận chủ trương đầu tư, tức là dừng ở thẩm định nguồn vốn, còn tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án có cấu phần xây dựng, thì thực hiện theo Luật Xây dựng.

“Đối với Hà Nội, chúng ta có thể triển khai theo Luật Xây dựng, tức là khi xây dựng công trình khẩn cấp, các trình tự, thủ tục tiếp theo sẽ thực hiện theo Luật Xây dựng”, Thứ trưởng chốt vấn đề.

Thứ năm, liên quan đến thẩm quyền, đơn vị phê duyệt nhiệm vụ dự toán, thẩm định nhiệm vụ đầu tư hiện nay, Thứ trưởng khẳng định, nội dung này đang thực hiện theo khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 10 về chi phí quản lý đầu tư xây dựng, chiếu theo khoản 3, Điều 40 của Luật Đầu tư công.

Thứ sáu, đối với các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, Thứ trưởng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đôn đốc theo chức năng được giao ban hành chính sách cụ thể.

Thứ bảy, liên quan đến bố trí vốn đầu tư công cho công tác quy hoạch, phân ra 2 nội dung: (i) đối với 5 nhóm quy hoạch nằm trong Luật Quy hoạch thì được bố trí vốn đầu tư công; (ii) Còn các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành thì chưa được quy định rõ. Riêng đối với các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành về xây dựng thì các quy định của Bộ Xây dựng nói rất rõ là sử dụng vốn sự nghiệp.

“Chúng tôi đồng ý, đối với những quy hoạch chuyên ngành có tính chất kỹ thuật, mà các quy định pháp luật chuyên ngành có xác định được nguồn vốn thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành đó. Riêng đối với các quy hoạch chuyên ngành có tính chất chuyên ngành khác chưa có quy định, thì tại Hội nghị Thủ tướng với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kiến nghị sử dụng vốn sự nghiệp và Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất này. Hiện việc này đang giao Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục về lập kinh phí chi”, Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Thứ tám, liên quan đến dự toán các dự án ODA, Thứ trưởng gợi ý, có cuộc họp riêng xem xét về việc điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng, liên quan đến vấn đề kỹ thuật, dự kiến sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ghi nhận để sửa đổi. Vốn ODA không chuyển tiếp sang năm sau.

Thứ chín, về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, Thứ trưởng cho biết: “Chúng tôi thống nhất với việc Thủ tướng đã giao Tổ công tác nghiên cứu tách riêng dự án giải phóng mặt bằng ra. Hai là có quy định về phạm vi để di dân giải phóng mặt bằng trong phạm vi 500m từ vùng ảnh hưởng, hoặc bao nhiêu mét, Tổ công tác nghiên cứu, ghi nhận nội dung này”.

Thứ mười, liên quan đến tăng thẩm quyền của thường trực HĐND và tăng thời gian họp của HĐND, chia sẻ với các địa phương, nhưng Thứ trưởng cũng cho biết, nội dung này vẫn chưa được Quốc hội đồng ý./.