Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ phải xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2021.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, để trình cấp có thẩm quyền quyết định việc cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm 2021 để điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2021.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong tháng 7 năm 2021.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Bộ Tài chính tiếp tục đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Triển khai đơn rút vốn của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số.

Bộ này cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc về thuế, thủ tục thanh toán, rút vốn... đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công:

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời.

- Thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án theo quy định.

Một vấn đề khác luôn được nhắc tới tại các kỳ họp Chính phủ cũng được nêu bật tại Nghị quyết đó là về trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 (đạt 60% kế hoạch được giao đến ngày 30/9/2021 và đạt 95%-100% kế hoạch được giao đến ngày 31/01/2022).

Đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch đầu tư công năm 2021 chi tiết cho các dự án khởi công mới đủ điều kiện ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Các đơn vị này phải tập trung: (i) Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; (ii) Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; (iii) Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; (iv) Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để đôn đôc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công; (v) Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra; (vi) Kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong đầu tư công; (vii) Thực hiện đấu thầu qua mạng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; (viii) Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.

Chính phủ cũng quyết nghị, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương: (i) Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của bộ, cơ quan, địa phương mình; (ii) Phân công cụ thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc giải ngân, thường xuyên kiểm tra tiến độ tại thực địa, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; (iii) Tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2021 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn./.