Ngày 01/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tham dự, đồng chủ trì Hội nghị.

Sớm “gỡ” khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, ngày 16/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1242/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Cuộc họp hôm nay nằm trong những hoạt động đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.

Quảng Ninh nêu 5 vướng mắc về đầu tư công

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong các quy định hiện hành.

Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, có 5 nội dung đang vướng mắc đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ nhất, là những vướng mắc liên quan đến Khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019. Ông Dương cho biết, việc thực hiện quy định trên thực tế là rất khó khăn do khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 05 năm tại thời điểm đầu của 5 năm kế hoạch; đồng thời mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. Do đó, việc phải phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án để đưa vào danh mục trung hạn ngay sẽ rất khó khăn và chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và Hội đồng nhân dân chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn.

Thứ hai, về định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, ông Dương cho biết, vì định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân các cấp (như: ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực...), nên đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Vì vậy, ông đề nghị sửa đổi: Điểm a khoản 1 Điều 24; Điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công.

Thứ ba, thực tế đang cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, do điều chỉnh một trong số các nội nội dung sau: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án...

“Từ thực tiễn triển khai, đã có các tình huống dự án phải điều chỉnh ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc xác định những trường hợp điều chỉnh dự án nào đòi hỏi phải thực hiện đồng thời quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư”, ông Dương chỉ rõ. Do vậy, “việc bổ sung “Các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” tại Điều 34 giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật”, ông đề xuất.

Thứ tư, về chi đầu tư phát triển đối với cấp xã. Đại diện tỉnh Quảng Ninh chỉ rõ, HĐND cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công vốn ngân sách cấp xã theo Khoản 3 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019. Tuy nhiên, việc triển khai dự án đầu tư công tại cấp xã còn vướng mắc trong việc giao chủ đầu tư theo Điều 7 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020.

“Hiện nay cấp xã không có Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng”, ông nêu rõ.

Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi với Bộ Xây dựng để có thông tư liên tịch hướng dẫn chi đầu tư phát triển đối với cấp xã.

Thứ năm, vướng mắc về phân khai chi tiết, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công hàng năm ngân sách địa phương đều đã được HĐND các cấp thông qua trước 31/12 trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, theo ông Dương, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và cần phải thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu. Theo quy định, tất cả các nội dung điều chỉnh đều phải được HĐND cùng cấp thông qua, trong khi đó việc tổ chức một cuộc họp của HĐND (định kỳ hay bất thường) cần phải có thời gian chuẩn bị nhất định, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc điều chỉnh, phân khai vốn trong năm kế hoạch. “Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế: đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất”, đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị.

... và 13 tồn tại trong triển khai dự án ngoài ngân sách

Cùng với những vướng mắc trong hoạt động đầu tư dùng nguồn vốn ngân sách, ông Dương cũng đưa ra 13 vấn đề khi triển khai, thực hiện dự án ngoài ngân sách.

Đầu tiên, vướng mắc do Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020. Ông chỉ rõ, quy định của Luật Đầu tư và hướng dẫn tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư không hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (Điều 30,31,32 Luật Đầu tư 2020).

“Đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh, hiện nay đang có 02 cách hiểu khác nhau: Cách hiểu thứ 1: Các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo Điều 32, Luật Đầu tư 2020 là các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy các dự án thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điểm a, khoản 1, Điều 32) không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Cách hiểu thứ 2: Các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh theo Điều 32, Luật Đầu tư 2020 trước khi thực hiện lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư” ông đưa vấn đề, vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.

Sớm “gỡ” khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ trưởng Trần Duy Đông và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tham dự và đồng chủ trì Hội nghị (ảnh Đức Trung)

Thứ hai, về khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư 2020. Ông Dương chỉ rõ, căn cứ theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 32 như trên thì “Dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Trong khi phần lớn các dự án thực hiện trên đất hiện trạng của các cá nhân, tổ chức đang sử dụng có một hoặc nhiều mục đích sử dụng (Ví dụ: đất lúa, đất rừng, đất nông nghiệp….). Do đó hiện nay cũng có 02 cách hiểu khác nhau: Cách hiểu thứ 1: Các dự án có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm cả trường hợp nhà đầu tư chưa có quyền sử dụng đất; Cách hiểu thứ 2: Các dự án có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư khi nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất (chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo khoản 4, Điều 29, Luật Đầu tư”, ông nêu vấn đề.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đề xuất, sửa đổi khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư 2020.

Ba là các vướng mắc về cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ. Ông Dương cho biết, nếu căn cứ Phụ lục I, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng quy định: “Công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc gồm: Công trình đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; trụ sở làm việc của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp; trung tâm thương mại, siêu thị; chợ; cửa hàng, nhà hàng ăn uống, giải khát và công trình tương tự khác; nhà phục vụ thông tin liên lạc: bưu điện, bưu cục, nhà lắp đặt thiết bị thông tin”. Đối chiếu với quy định tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; các công trình trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ không thuộc diện nhà nước thu hồi đất.

“Mặc dù phạm vi điều chỉnh theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 có gồm các công trình thương mại dịch vụ nhưng không thể áp dụng, triển khai phê duyệt danh mục lựa chọn nhà đầu tư do dự án chỉ đáp ứng điều kiện tại khoản 2, 3 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020”, ông chỉ rõ.

Bốn là các vướng mắc xuất phát từ điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án, theo đó thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương trước để nhà đầu tư thực hiện việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất, hay UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận địa điểm để nhà đầu tư thực hiện việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất (có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chấp thuận) trên cơ sở đó thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo đề nghị của nhà đầu tư.

Năm là vướng mắc về thủ tục chấp thuận nhà đầu tư. Theo hướng dẫn của Luật Đầu tư, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ không có hướng dẫn xác định giá trị m3 (giá sàn nộp ngân sách nhà nước được đưa vào hồ sơ mời thầu) đối với trường hợp chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

“Kính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn có hay không việc xác định giá trị m3 trong trường hợp này? Nếu có thì việc xác định giá trị m3 nằm ở bước nào trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư”, ông Dương đề nghị.

Thay mặt UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Dương cũng đưa ra thêm 7 vướng mắc khác. Đó là: (6) Quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa. Lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa có đất sạch tại các địa bàn có giá trị thương mại cao, trung tâm khu dân cư có thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu hay không?; (7) Trường hợp nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tiếp tục vi phạm, tuy nhiên nguyên nhân là do cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính, thì có được tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hay không?; (8) Chưa có quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác; (9) Chưa ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, do đó chưa có cơ sở để thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành; (10) Chưa có hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có một phần đất do nhà nước quản lý và một phần đất phải thực hiện GPMB đối với các dự án sử dụng đất thương mại, dịch vụ; (11) Chưa có hướng dẫn thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác sang làm đất ở thực hiện trước hay sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư? Việc thể hiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở được thực hiện bởi dạng văn bản nào?; (12) Chưa có hướng dẫn việc Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10%, Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên là so với chủ trương ban đầu được duyệt hay so với chủ trương điều chỉnh trước đó?

Cuối cùng là những vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể dự án khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

“Kính đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn cụ thể dự án khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”, ông Dương đề xuất.

Sẽ sớm sửa đổi các vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư tại địa phương

Tại Hội nghị, các đại biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã giải đáp ngay các vướng mắc, cũng như trả lời thẳng thắn các kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Huy Đông khẳng định, hiện cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện. Dù vậy, cơ chế, chính sách chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và có nhiều cách hiểu khác nhau cũng nảy sinh.

“Trong bối cảnh rất khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, nếu tháo gỡ được khó khăn của các dự án, giúp giải phóng được nguồn lực là rất tốt cho nền kinh tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công; 13 nhóm vấn đề về các dự án sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Nếu nội dung nào đúng chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ xem xét sửa đổi”, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”.

Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; Đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới./.