Trợ lực, “gỡ” khó cho nông sản xuất ngoại
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản gặp khó
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2015 lên 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt tỷ USD, giảm 5,7%.
Giảm mạnh nhất là xuất khẩu thủy sản, với giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 7 năm 2015 ước đạt 532 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.
Cả ba thị trường chính của thủy sản nước ta là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm rất mạnh.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cà phê trong tháng 7 năm 2015 ước đạt 107 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 792 nghìn tấn với tổng giá trị 1,63 tỷ USD, giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.
Cao su là mặt hàng giảm thứ ba trong các nông sản chính. Xuất khẩu cao su tháng 7 năm 2015 ước đạt 98 nghìn tấn với giá trị 146 triệu USD, với ước tính này 7 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 519 nghìn tấn, giá trị đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về khối lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Gạo cũng là một trong những mặt hàng chủ lực có sự sụt giảm mạnh. khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2015 ước đạt 717 nghìn tấn với giá trị đạt 300 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 3,72 triệu tấn và 1,59 tỷ USD, giảm 3,1% về khối lượng và giảm 8,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu chè 7 tháng cũng giảm 8,9% về khối lượng và giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân của sự sụt giảm các mặt hàng nông sản chủ lực nói trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là do hạn hán kéo dài khiến miền Trung không thể gieo cấy, sản lượng giảm. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản, như: tôm, cá da trơn cũng bị dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu...
“Trợ lực” cho nông sản xuất khẩu
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng.
Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển và chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn thuộc các lĩnh vực này; giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm; điều hành tỷ giá linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất khẩu.
Đồng thời, tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý.
Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ cấu lại các khoản vay lãi suất cao trước đây.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản vay đến hạn và khách hàng khó khăn trong trả nợ vốn vay; miễn giảm lãi vốn vay; phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong trường hợp nhiều tổ chức tín dụng cùng cho vay 1 khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai các chương trình tín dụng đặc thù hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản, bao gồm: Cho vay tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi và thủy sản (giãn nợ 24 tháng và được vay mới với lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa 7%/năm); chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn (được cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng; hoặc được khoanh nợ tối đa 03 năm đồng thời được tiếp tục cho vay mới); cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay tái canh cây cà phê, cho vay kinh doanh lúa gạo và cho vay tạm trữ lúa gạo; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, lãi suất cho vay thấp hơn thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% phương án, dự án; mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín có thời gian vay trên 12 tháng nhưng không quá 18 tháng; có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chính sách cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ 25/07/2015) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, theo đó các doanh nghiệp nông nghiệp và xuất khẩu nông lâm thủy sản có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được được cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án và được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng./.
Bình luận