Trở thành tỉ phú nhờ đầu tư trồng rau sạch
Các hộ nông dân ở đây trồng rau theo mô hình chuỗi cung ứng rau sạch tiêu chuẩn Metro Requirement về thực hành nông nghiệp tốt, có đầu ra và thu nhập ổn định.
Lâm Đồng nổi tiếng với các vùng rau chuyên canh như Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương với khoảng 40 ngàn ha rau các loại: rau ăn lá, ăn củ, ăn quả, ăn hoa và rau gia vị; cung cấp cho thị trường khoảng 1,1 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng rau xuất khẩu chỉ đạt khoảng 150-200 ngàn tấn/năm, chiếm 20% tổng sản lượng, 80% còn lại tiêu thụ trong nước, thị trường chính là các chợ đầu mối nông sản ở TP Hồ Chí Minh (chợ Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền), các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung, Hà Nội và hệ thống siêu thị nhà hàng các địa phương.
Ảnh minh họa
Có dịp đến huyện Đơn Dương hay TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, gặp gỡ các hộ nông dân trồng rau sạch cung cấp cho các siêu thị mới thấy nghề này tuy cực nhưng mang đến cơ hội làm giàu cao. Các hộ nông dân ở đây trồng rau theo mô hình chuỗi cung ứng rau sạch tiêu chuẩn Metro Requirement về thực hành nông nghiệp tốt, có đầu ra và thu nhập ổn định.
Hiện đã có nhiều Hợp tác xã sản xuất rau tại thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận như Xuân Hương, Anh Đào, Hiệp Nguyên, An Phú, …đã hình thành mạng lưới nông hộ, chuyên sản xuất, cung ứng rau theo hợp đồng. Bên cạnh những mô hình hợp tác xã sản xuất rau, các siêu thị lớn như Metro, Big C cũng liên kết với các hộ dân sản xuất rau theo hợp đồng tiêu thụ, chuyên cung cấp cho hệ thống các siêu thị trong nước.
Công ty TNHH Metro Cash & Carry cũng đã thuê Công ty Fresh STUDIO (đơn vị chuyên tư vấn nông nghiệp của Hà Lan) tư vấn kỹ thuật và xây dựng thương hiệu Metro GAP cho các nông hộ hợp đồng sản xuất với đơn vị. Bà Trần Thị Huệ - Trợ lý phát triển sản phẩm của công ty cho biết: METRO GAP là những nguyên tắc sản xuất rau an toàn được xây dựng từ những tiêu chuẩn Global GAP, được điều chỉnh phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của địa phương. 50 hộ dân ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt của Lâm Đồng được đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, và sản phẩm làm ra được bao tiêu.
Một trong những người tiên phong khác của mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn Metro Requirement là ông Đinh Xuân Toản, ngụ thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương. Hiện ông Toản cũng lọt vào top những “tỉ phú rau sạch” ở tỉnh Lâm Đồng với vườn rau 2 ha. Cũng như nhiều hộ nông dân khác, lúc đầu ông Toản trồng rau theo kiểu tự phát nhưng thấy cách làm này rủi ro cao, hiệu quả thấp nên tìm cách thay đổi.
Ông Toản nói: “Chúng tôi phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký… cho rau! Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi lại tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc rau quả”. Tuy cực nhưng theo ông Toản, hiệu quả làm rau theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp rất cao. “Mỗi năm, trừ hết chi phí, tôi thu lời được từ 500-600 triệu đồng.
Ông Đinh Xuân Toản bên vườn rau sạch
Ông Toản bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn Global GAP ngay từ hồi năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và "khoanh vùng" nguyên liệu đến tận Đơn Dương (xã Đạ Ròn của huyện Đơn Dương nằm giáp giới với huyện Đức Trọng). Theo lời tâm sự của ông Toàn thì lúc đầu thấy khó chịu với cái kiểu ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen và với lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên không thể khác được.
Một thời gian sau, khi luồng gió nông thôn mới thổi vào địa phương, ông Toản lại tiếp tục phát huy thế mạnh là liên kết với nhiều trang trại khác trên địa bàn huyện Đơn Dương để tăng thêm sức mạnh của các trang trại và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Đến giờ, ở xã Đạ Ròn, ông Toản khá nổi tiếng bởi không chỉ vì thu nhập (mỗi hecta đất canh tác của ông cho trên dưới 500 triệu mỗi năm) mà còn vì trang trại của ông là trang trại thường xuyên tiên phong trong việc thử nghiệm các giống cây trồng mới và thử nghiệm những cách làm mới. Gần đây, dù chỉ làm thử nghiệm kiểu canh tác thủy canh giống cà tím và cà chua thôi nhưng thu nhập của ông Toàn từ mô hình này nếu tính ra cũng lên đến gần tỷ đồng trên diện tích 1 ha mỗi năm.
Xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất là những yếu tố hết sức cần thiết để cây rau Lâm Đồng tiếp tục khẳng định vị thế trong thị trường tiêu thụ nội địa truyền thống. Tuy nhiên, để vươn ra thị trường quốc tế thì ngoài việc xây dựng thương hiệu, liên kết sản phẩm, ngành nông nghiệp cũng như ngành chức năng cần thực hiện tốt, hiệu quả mối liên kết 4 nhà gồm: Nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp./.
Bình luận