Trong quý I/2018, không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ công
Theo đó, trong quý I/2018 không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý (dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, giáo dục, dịch vụ vệ sinh môi trường, trông giữ xe, tham quan du lịch, lưu trú buồng phòng, thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ, trung tâm thương mại...).
Công văn nêu rõ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 02 tháng đầu năm 2018 đã tăng 2,9%.
Để thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2018 khoảng 4,0%, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đề ra tại Công điện số 240/CĐ-TTg, ngày 21/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc nhiệm vụ sau Tết, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 66/TB-VPCP, ngày 23/01/2018 của Bộ Tài chính và các văn bản có liên quan ngay trong những tháng tiếp theo.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chú trọng chỉ đạo sở tài chính và các sở, ban ngành chức năng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhất là trong thời gian các tháng tiếp theo (đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm...) để kịp thời chỉ đạo và có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu, việc điều hành giá các mặt hàng thuộc thẩm quyền Hội đồng nhân đân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị bám sát các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và các bộ, ngành chức năng.
Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, tăng cường quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; thực hiện quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết (nhất là dịch vụ vận tải, ăn uống, tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô).
Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quản lý, điều hành, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Áp lực lạm phát năm 2018 sẽ lớn hơn
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2018, nêu lên những sức ép đối với lạm phát của năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cần lưu ý năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn.
Dù không quá lo lắng về tình hình kinh tế vĩ mô, nhưng với diễn biến của kinh tế thế giới, tình hình trong nước cũng có những yếu tố tác động, Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phải chú trọng mục tiêu kiểm soát, kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định vĩ mô. Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành, địa phương cần lưu ý năm nay áp lực lạm phát sẽ lớn hơn.
Trong đó, áp lực từ giá dầu thô, hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, trong khi nước ta hấp thụ một lượng ngoại tệ rất lớn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI sẽ được giải ngân; vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh thông qua đầu tư vào mua cổ phần. Việt Nam cũng là một trong 10 nước có kiều hối lớn nhất thế giới với 13 tỷ USD năm qua. Hiện dự trữ ngoại hối của nước ta đã là khoảng 60 tỷ USD.
Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ưu tiên kiểm soát vĩ mô cần được lưu ý trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương. Tại phiên họp này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan cần đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là việc điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ nhạy cảm như điện, nước, giáo dục, y tế, phải được tính toán kỹ lưỡng và phải được làm tốt như công tác điều hành giá của năm 2017.
Thủ tướng cũng nêu lên thực tế nhiều nước trên thế giới đã có điều chỉnh chính sách kinh tế, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút vốn đầu tư các nước, tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài của các nước khác; tăng thuế một số mặt hàng nhập khẩu, dựng lại hàng rào thương mại, trong đó có nhiều mặt hàng liên quan đến Việt Nam.
rong khi đó, việc thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đối với nước ta vẫn rất cần thiết, nhất là những vùng khó khăn. Trong bối cảnh thế giới có sự thay đổi rất căn bản, Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta không nhận thức thì sẽ gặp khó khăn trong đầu tư phát triển, nhất là nguồn lực cho phát triển. Do đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đề xuất các giải pháp phá vỡ các rào cản để phát triển; đi liền với đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn và chúng ta có một số đối sách cần thiết với tình hình thế giới hiện nay để chủ động tìm nguồn lực cả trong nước và nước ngoài./.
Bình luận