Sốt ruột vì lãng phí trong xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 làm việc với Bộ Y tế hôm nay (ngày 8/8), theo Văn phòng Quốc hội.

Thực hiện Kế hoạch của Đoàn giám sát, Tổ công tác do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai làm Tổ trưởng đã làm việc với Bộ Y tế và có báo cáo kết quả rà soát về Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Y tế.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, lĩnh vực y tế là điểm nóng, các thành viên Đoàn giám sát muốn lắng nghe trong các chính sách đang vướng ở điểm nào, nhưng Báo cáo của Bộ Y tế chưa đưa ra phụ lục, danh mục cụ thể điều khoản nào bất hợp lý gây nên các vướng mắc trong thời gian qua…

Theo Tổ công tác, Báo cáo của Bộ Y tế gửi Đoàn giám sát còn chậm, chưa bảo đảm thời hạn theo yêu cầu của Đoàn giám sát; nhiều nội dung, thông tin, số liệu chưa báo cáo đầy đủ theo yêu cầu. Báo cáo còn mang tính chất liệt kê các hoạt động đã thực hiện, chưa làm nổi bật kết quả tiết kiệm, chống lãng phí; một số nội dung còn chưa được đánh giá sâu, nhất là về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và bài học kinh nghiệm...

Cũng theo Tổ công tác, việc giải ngân vốn đầu tư hàng năm còn chậm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung còn thấp, gây lãng phí nguồn lực, nhất là đối với nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn đầu tư cho bệnh viện tuyến cuối. Tiến độ một số dự án còn chậm so với kế hoạch, chậm đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.

Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, test kit Covid-19; nhiều sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, sử dụng tài sản công; chưa kiểm soát được hết tiêu cực xảy ra trong đấu thầu, chỉ định thầu…

Tư lệnh ngành Y tế giải trình về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường, báo cáo của Bộ Y tế nêu việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngành quản lý trên cả nước còn mờ nhạt (ảnh: Quốc hội)

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát nhìn nhận, báo cáo của Bộ Y tế nêu tương rõ việc thực hành tiết kiệm trong nội bộ của Bộ, nhưng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực ngành quản lý trên cả nước còn mờ nhạt.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu thực trạng lãng phí tại Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam. Đây là 2 dự án được kỳ vọng sẽ giảm quá tải cho hai bệnh viện tại Hà Nội, tuy nhiên đến nay sau nhiều năm triển khai vẫn chưa đưa vào sử dụng. Vấn đề này khiến cử tri bức xúc, phản ánh nhiều lần. Đề nghị Bộ Y tế làm rõ thời gian tới có tiếp tục xây dựng 2 dự án này không, nếu có thì khi nào hoàn thành, hoạt động có hiệu quả không? Bộ Y tế có kế hoạch gì, bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng bệnh viện vệ tinh thời gian qua như thế nào?

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ xảy ra trong 1-2 năm mà diễn ra trong cả giai đoạn; Bộ Y tế luôn đứng trong top đầu của nhóm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Có những năm tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Y tế chỉ đạt 19%, có dự án cả giai đoạn giải ngân chỉ đạt 13%. Khi phân bổ nguồn lực, có 2 lĩnh vực được quan tâm là y tế và giáo dục, nhưng tỷ lệ giải ngân tại ngành Y tế thấp sẽ gây lãng phí rất lớn.

Tư lệnh ngành Y tế giải trình gì?

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo trên cơ sở bám sát đề cương, bổ sung số liệu, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được, hạn chế và kiến nghị cụ thể vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Tư lệnh ngành Y tế giải trình về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm (ảnh: Quốc hội)

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của ngành đến thời điểm này mới đạt 3,1%. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Bộ Y tế không chỉ diễn ra trong năm nay mà trong nhiều năm, liên quan đến nhiệm kỳ trước. Hiện việc giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vướng mắc tại các dự án xây dựng bệnh viện, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Những bất cập tại các dự án này đã vượt thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế. Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách…”, bà Lan giải trình.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế thời gian qua gây mất niềm tin của nhân dân. Sau buổi giám sát này, đề nghị Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan tiếp thu đối đa ý kiến các thành viên Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ số liệu, tài liệu theo yêu cầu của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát. Bộ Y tế cũng cần đánh giá đúng tồn tại, khuyết điểm, đặc biệt làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm của từng cấp, đề xuất giải pháp khắc phục…/.