Tỷ lệ giảm nghèo năm 2017 ít nhất phải đạt mức 1,5%
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới đã trong năm qua đã đạt được nhiều thành tựu.
Trong năm 2016, cả nước có thêm 15 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015; thêm 828 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,2% so với cuối năm 2015.
Đến hết năm 2016, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới, cả nước có 2.358 xã (26,43%) đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 1,43% so với mục tiêu năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt ra).
Hiện chỉ có 257 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 69 xã. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí).
Việc xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới cũng có bước chuyển mới. Trong số các huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thì có 14 huyện không còn nợ; 4 huyện đã xử lý xong nợ ngay sau khi công bố đạt chuẩn; huyện Hưng Hà (Thái Bình) giảm từ 92 tỷ đồng nợ xuống còn 8 tỷ đồng; huyện Yên Định (Thanh Hóa) giảm từ 72 tỷ đồng xuống còn 48,2 tỷ đồng.
Còn theo tổng hợp nhanh của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31/1/2016), thì đến nay đã có 17/25 tỉnh đã giảm được số nợ với tổng mức giảm 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12/2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (so với mức 15.277 tỷ đồng vào 31/1/2016).
Đối với chương trình giảm nghèo, trong năm 2016, ngân sách đã bố trí khoảng 11.000 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 16 triệu người nghèo. Ước tính năm 2016, ngân sách Trung ương bố trí hơn 5.649 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 3,807 triệu em…
Năm 2016 cũng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hơn 27.321 tỷ đồng cho trên 862.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn và trên 21.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm. Chính sách hỗ trợ tiền điện đạt 1.105 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 2 triệu người được hỗ trợ…
Mặc dù cả nước gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn mặn và sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng ước đến cuối năm 2016, tỉ lệ nghèo cả nước còn 8,58-8,38%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2016 cả nước đã đạt những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Chính phủ, các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành khung khổ pháp lý để thực hiện 2 chương trình nông thôn mới, giảm nghèo với những cách tiếp cận mới so với giai đoạn trước ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
Triển khai nhiệm vụ cho năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị hai cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội chủ động hơn nữa để đạt các chỉ tiêu, kế hoạch.
“Riêng về giảm nghèo chỉ tiêu phải tích cực hơn, cao hơn thì dân mới có tích lũy để tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới. Ít nhất giảm nghèo phải đạt mục tiêu ở cận cao (giảm 1,5%/năm). Ban Chỉ đạo cũng đặt mục tiêu cao hơn, dứt khoát không thấp hơn mức Quốc hội đã giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của Ban Chỉ đạo.
Để đạt được mục tiêu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, rà soát văn bản còn nợ, việc này hoàn thành trong quý I/2017.
Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các bộ ban hành văn bản hướng dẫn 19 tiêu chí nông thôn mới, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2017 để Chủ tịch UBND các tỉnh ban hành quyết định cụ thể cho từng địa phương.
“Các địa phương chậm nhất 6 tháng đầu năm phải ban hành xong”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ quan tâm xây dựng hành lang pháp lý cho phân bổ nguồn lực, nhất là đối với chương trình giảm nghèo; tập trung giải quyết các thể chế, chính sách huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giảm nghèo trong khi nguồn lực ngân sách rất hạn chế.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quý I sớm quy định các tiêu chí xử lý cơ chế 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để lại cho cấp xã, bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước./.
Bình luận