TỔNG QUÁT BỨC TRANH HUY ĐỘNG VÀ PHÂN BỔ VỐN XÂY DỰNG NTM

Theo báo cáo giám sát của Quốc hội khóa XV, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021-2023 (tính đến ngày 30/6/2023) khoảng 2,2 triệu tỷ đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách trung ương hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình là 22.235 tỷ đồng (gồm: 16.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 5.210 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp và 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài được bổ sung thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn) chiếm khoảng 1,0% tổng nguồn lực huy động.

- Vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã): 152.532 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng nguồn lực huy động, trong đó, tổng vốn đối ứng từ ngân sách địa phương của 49 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương chiếm khoảng 41,6%.

- Vốn lồng ghép từ 2 CTMTQG (dân tộc thiểu số và miền mui; giảm nghèo bền vững) và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn là 127.739 tỷ đồng (chiếm khoảng 5,8%).

- Vốn tín dụng (dư nợ cho vay các xã trên toàn quốc giai đoạn 2021-2023) khoảng 1.739.325 tỷ đồng (chiếm khoảng 79%), tăng 409.260 tỷ đồng so với cuối năm 2020.

- Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 105.806 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,8%).

- Vốn huy động người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 54.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,5%).

Về cơ bản, các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã thực hiện nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn của CTMTQG xây dựng NTM khá thuận lợi, nguyên tắc phân bổ tuân thủ theo đúng Nghị quyết số 25/2021/QH15 và Quyết định số 07/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã thực hiện cơ bản nghiêm túc việc đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp. Về giải ngân vốn, theo số liệu của Bộ Tài chính lũy kế đến hết tháng 06/2023, vốn đầu tư công năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 giải ngân đạt khoảng 88%; vốn thực hiện năm 2023 đạt khoảng 34,3%, cao nhất trong 3 CTMTQG. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách để đảm bảo vốn đối ứng vì nguồn thu ngân sách còn thấp. Một số tỉnh vốn ngân sách địa phương đối ứng thấp hơn so với quy định như Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng.

Trong những năm qua, việc huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện Chương trình đã được các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực góp phần xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM rất hạn chế, nhất là việc huy động người dân đóng góp ủng hộ trong xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn vì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Qua giám sát cho thấy, các nguồn vốn huy động của người dân và cộng đồng chủ yếu là từ ngày công lao động và hiến đất làm đường. Việc thống kê nguồn vốn huy động này cũng chưa có sự hướng dẫn, thống nhất mà chủ yếu do địa phương tự thống kê.

VẪN CÒN NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP TRONG CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN HUY ĐỘNG VÀ PHÂN BỔ VỐN

Một là, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương.

Hai là, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, không kịp thời và quy trình thực hiện theo Luật Đầu tư công nên mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án, giao chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, bên cạnh đó yêu cầu nội dung kế hoạch 5 năm, hằng năm phải có mục tiêu, chỉ tiêu của từng CTMTQG, từng dự án, tiểu dự án thành phần, nên công tác lập và giao kế hoạch của địa phương mất nhiều thời gian.

Ba là, còn một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng một số quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, cụ thể về: (1) Giao kế hoạch thực hiện 03 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Điều 5; (2) Lập kế hoạch đầu tư công hằng năm trong lập kế hoạch thực hiện các CTMTQG theo quy định tại Điều 7; (3) Cơ chế huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình theo quy định tại Điều 9; (4) Lồng ghép nguồn vốn 3 CTMTQG và giữa CTMTQG với các chương trình, dự án khác tại địa phương theo quy định tại Điều 10; (5) Cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng theo quy định tại Điều 11 và điểm b, Khoản 1, Điều 40; (6) Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp quy định từ Điều 13 đến Điều 19 Chương IV; (7) Cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các CTMTQG theo quy định từ Điều 20 đến Điều 24.

Chính sách huy động và phân bổ vốn cho xây dựng nông thôn mới: Những vướng mắc và giải pháp khắc phục
Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động
các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu
là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh nghèo

Để khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số địa phương phản ảnh, khi triển khai thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ-CP đã phát sinh một số vướng mắc như: (i) Quy định HĐND cấp tỉnh thông qua trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ, nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị dự án, phương án sản xuất, dịch vụ; (ii) Quy định UBND cấp xã xác nhận đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm; (iii) Điểm c, khoản 6, Điều 22 - Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, Điều 1 - Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định “Thanh toán, giải ngân vốn cho đại diện tổ nhóm cộng đồng, các bên liên quan theo tiến độ thực hiện tại Hợp đồng ký kết với đại diện tổ nhóm cộng đồng”. Như vậy, khi tham gia dự án phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng phải bỏ vốn để thực hiện trước, sau đó khi được nghiệm thu mới được thanh toán, trong khi người tham gia dự án là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Bốn là, việc lồng ghép nguồn vốn giữa các CTMTQG khó thực hiện vì: Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi có nguồn ngân sách trung ương được giao chi tiết theo từng dự án, lĩnh vực chi của từng vhương trình đối với từng dự án, trong khi đó Chương trình NTM căn cứ vào tổng mức kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị thực hiện theo từng lĩnh vực chi, dự án, nội dung thành phần. Vốn lồng ghép giữa CTMTQG với các vhương trình, dự án khác cũng gặp khó khăn do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai xây dựng hoàn thành trong năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022 các văn bản quy định về từng CTMTQG, mục tiêu, kế hoạch vốn hỗ trợ địa phương thực hiện các CTMTQG mới được Trung ương ban hành nên khó bố trí nguồn vốn để lồng ghép trực tiếp thực hiện các dự án đầu tư từ các CTMTQG. Do đó, các địa phương chỉ có thể tổ chức lồng ghép về mục tiêu đầu tư của từng CTMTQG với các Chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn, nhằm ưu tiên tập trung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM đã được giao theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm là, các tiêu chí phân bổ vốn NTM chủ yếu dựa trên số xã của các tỉnh chưa thực sự phù hợp, nhất là đối với các tỉnh có số xã ít nhưng địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo, quy mô hộ nghèo và tỷ lệ hộ đồng bào DTTS lớn. Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Một số địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.

Sáu là, tỷ lệ đối ứng của CTMTQG xây dựng NTM cao, trong khi nguồn thu ngân sách một số địa phương (huyện/xã) còn hạn chế, nên khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương để đảm bảo đối ứng theo quy định. Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh nghèo. Điều đáng lưu ý là các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hơn, cần hỗ trợ đầu tư nhiều hơn, nhưng một số tỉnh được phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện CTMTQG xây dựng NTM thấp hơn giai đoạn 2016-2020 và thấp hơn dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các tỉnh có nhiều xã được phân định là xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (hầu hết là xã có cơ sở hạ tầng yếu kém), thì địa phương phải thực hiện hỗ trợ một số xã khu vực III xây dựng xã đạt chuẩn NTM từ nguồn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình nên rất khó khăn cho địa phương.

Bảy là, việc huy động nguồn lực người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng NTM rất hạn chế, nhất là việc huy động người dân đóng góp ủng hộ trong xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn vì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Các doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn khó khăn ít, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng thương mại của doanh nghiệp còn khó khăn.

CÁC GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Thứ nhất, tiếp tục rà soát những khó khăn vướng mắc trong các cơ chế, chính sách đã được ban hành để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện CTMTQG xây dựng NTM theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, các văn bản được phân cấp cho địa phương, chủ động đề xuất những nội dung còn khó khăn, vướng mắc với các bộ, ngành Trung ương. Tập trung giải quyết các nội dung còn khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương; chủ động nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Thứ ba, huy động tối đa nguồn lực của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng để thực hiện Chương trình. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 CTMTQG và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội phê duyệt, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí.

Thứ tư, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dung nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp; khuyến khích cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực; vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nguồn vốn ODA, vốn tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Chương trình; tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các xã thực hiện xây dựng NTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng NTM theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể, do HĐND xã thông qua.

Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp, các ngành; tăng cường kiểm tra, giá sát việc thực hiện các nội dung thành phần nhằm bảo đảm chương trình được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đối tượng, phát huy hiệu quả đầu tư; kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch được giao hằng năm và giai đoạn của từng Chương trình./.

Phùng Thị Phương Anh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 31, tháng 11/2023)


Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Tờ trình về các cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, số 557/TTr-CP, ngày 16/10/2023.

2. Đoàn giám sát Quốc hội khóa XV (2023), Kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.