Tỷ lệ học nghề ở Việt Nam vẫn thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp còn nặng nề
Đó là chia sẻ của ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Dân trí, tổ chức vào ngày 15/08/2018 với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau”.
Các trường nghề không đủ sinh viên giới thiệu cho doanh nghiệp
Tại buổi giao lưu trực tuyến với báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua xã hội đã có những thay đổi, việc học đi vào thực chất hơn. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề. Học là để có đủ năng lực làm việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quan tâm đến lựa chọn người có năng lực phù hợp chứ không quan tâm nhiều đến bằng cấp.
Kết quả tuyển sinh trung cấp trong những năm gần đây có xu hướng tăng, cụ thể năm 2016 là 290.231 học sinh, năm 2017 là 310.000 học sinh, năm 2018 ước khoảng 320.000 học sinh, trong đó có khoảng 85%-90% là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở.
Nhưng nhìn chung, “tỷ lệ học sinh vào học nghề những năm qua còn chiếm thấp bởi tâm lý trọng bằng cấp và nhiều nguyên nhân khác”, Thứ trưởng Lê Quân nói.
Thứ trưởng Lê Quân đang trả lời bạn đọc/Ảnh: Dân trí
Theo ông Lê Quân, trong một thời gian dài, nền giáo dục Việt Nam chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp. Dẫn đến hệ thống giáo dục thực hiện phân luồng và định hướng người học không đúng với yêu cầu phát triển thị trường lao động. Hệ quả là chúng ta luôn coi học nghề chỉ dành cho học sinh yếu, kém và không đỗ đạt. Chất lượng đào tạo liên thông từ học nghề lên đại học và đào tạo đại học tại chức bị coi nhẹ và thả lỏng, xã hội coi người tốt nghiệp đại học liên thông, tại chức kém hơn người tốt nghiệp đại học chính quy.
Và thực tế hiện nay, các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng). Trong khi đó, các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề do cung không đáp ứng được cầu.
Ngược lại với Việt Nam, trên thế giới, tỷ lệ phân luồng vào học nghề của các quốc gia rất cao. Tại hầu hết các nước, tỷ lệ học sinh vào học nghề luôn đạt trên 50%.
Thay đổi lại tư duy
Tại buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, thời gian tới, chúng ta phải phá bỏ lối tư duy này. Theo đó, cần chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ trung học phổ thông hoặc đỗ đại học.
“Ở một số nước phát triển, như: Đức, Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi”, Thứ trưởng Lê Quân dẫn chứng.
Bên cạnh đó, việc định hướng cho các em học sinh nên lựa chọn học như thế nào và học ngành nghề nào để phù hợp với năng lực của bản thân và điều kinh tế gia đình là rất cần thiết.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, hiện nay, hệ thống giáo dục của Việt Nam đã mở ra nhiều cánh cửa cho các em vào học nghề. Cụ thể:
Học hết lớp 9, các em vào học nghề theo các chương trình trung cấp, cao đẳng, kết hợp với học văn hóa. Như vậy, ở tuổi 18 các em hoàn toàn đủ năng lực để tham gia thị trường lao động có chuyên môn kỹ thuật. Các em được miễn học phí học trung cấp nghề. Tiết kiệm được từ hai đến ba năm so với bạn bè vào học trung học phổ thông. Tại bất kỳ thời gian nào, các em hoàn toàn có thể học tiếp đại học liên thông với thời gian từ 1.5 đến 2 năm. Cơ hội thành công sẽ rất cao với các em học sinh có năng lực.
Chẳng hạn, như: tại Nhật Bản, hệ thống 51 trường cao đẳng công nghệ thuộc hệ thống Kosen tiếp nhận những em học sinh khá giỏi hết lớp 9 vào học hệ cao đẳng thực hành 5 năm. Các em này khi ra trường cơ hội việc làm rất tốt và có thu nhập cao.
Học hết lớp 12, các em vào học trung cấp với thời gian từ 1 đến 1,5 năm hoặc học cao đẳng với thời gian từ 2 đến 3 năm. Học phí các trường nghề thấp, thời gian thực hành thường chiếm trên 50%, học đi đôi với hành. Cơ hội việc làm đúng ngành nghề thường đạt trên 80%. Rất nhiều trường cam kết việc làm với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng cho người học.
Các khách mời đang trả lời câu hỏi bạn đọc/Ảnh: Dân trí
Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng cho hay, để thu hút người học, điều quan trọng nhất chính là việc làm.
Do đó, hiện nay, nhiều trường đã cam kết ra trường có việc làm 100%, với thu nhập cao hấp dẫn, nếu không sẽ trả lại học phí hoặc đào tạo lại; Chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên, liên kết với doanh nghiệp, thay đổi mô hình quản lý… nhằm để nâng cao chất lượng đào tạo để gắn kết được nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ…
Đồng thời, các trường nghiên cứu mở nhiều ngành nghề mới có nhu cầu sử dụng lao động cao, có nhiều cơ hội đi du học, xuất khẩu lao động…
Đặc biệt, ông Khánh cho biết, đối với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, những năm gần đây, Trường có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm tới 96% sau 6 tháng, nhiều nghề không đủ cung cấp cho các doanh nghiệp. Các sinh viên Nhà trường luôn được các doanh nghiệp đánh gia cao về tinh thần ý thức, thái độ làm việc cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc.
Bắt đầu từ năm học 2018-2019, Nhà trường thực hiện chính sách "Tuyển sinh là tuyển dụng". Ký hợp đồng đào tạo giữa Nhà trường, gia đình và các em bảo đảm 100% sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra có việc làm và có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/tháng./.
Bình luận