UNICEF đã hỗ trợ Việt Nam 4,2 triệu USD ứng phó khẩn cấp với hạn hán, xâm nhập mặn
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức chiều ngày 18/05/2017.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của 21 loại hình thiên tai cơ bản nhất là bão mạnh, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đánh của Liên hợp quốc Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của Biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong những năm gần đây, thiên tai tại Việt Nam xảy ra dồn dập với cường độ lớn, phạm vi rộng với diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, tài sản của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, trong vòng 30 năm qua, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, hàng nghìn người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước tính từ 1%-1,5% GDP. Trong đó, năm 2016 những trận thiên tai được ghi nhận đạt mức lịch sử: hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ diễn ra gay gắt nhất trong vòng 90 năm gần đây, lũ lớn liên tiếp xuất hiện ở các tỉnh Miền Trung (từ Nghệ An đến Phú Yên) đạt mức tương đương lũ lịch sử. Tính riêng năm 2016, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản làm 264 người chết và mất tích, 431 người bị thương, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng tương đương 1,7 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng Phòng chống thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương(người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em...) đồng thời phục hồi sản xuất, ổn định dân sinh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị
”Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ và người dân thì sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổ chức UNICEF đã đóng góp một phần quan trọng vào những thành công trong phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Qua đó công tác Phòng chống thiên tai đã đạt được những kết quả đầy khích lệ, việc phòng chống thiên tai đã từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Do vậy, đã giảm đáng kể thiệt hại so với giai đoạn trước; số người chết và mất tích trung bình trong 5 năm gần đây (2011-2016) là 225 người /năm, giảm 53% so với giai đoạn 2006-2011” Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.
Ông Youssouf Abdel - Jelil, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, tháng 3/2016 Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để ứng phó khẩn cấp đối phó hạn hán, xâm nhập mặn thì tổng kinh phí mà UNICEF đã kêu gọi được là 4,2 triệu USD, trong đó Nhật Bản đóng góp được 2,5 triệu USD và 1,5 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp Liên hợp quốc và 230.000 từ nguồn quỹ thường xuyên của UNICEF. UNICEF tại Việt Nam cũng đã nhận được sự ủng hộ tài chính từ Liên hợp quốc, chính phủ nhiều quốc gia đóng góp vào quỹ này để giúp đỡ các địa phương mà trực tiếp là nhóm đối tượng trẻ em, phụ nữ.
“Hầu hết các tỉnh bị ảnh hưởng tại Việt Nam đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Sự đe dọa của biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự tăng trưởng, phát triển của đất nước”, ông Youssouf Abdel - Jelil nhấn mạnh.
Thời gian tới, ông Youssouf Abdel - Jelil cho biết UNICEF cam kết phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam để chương trình hỗ trợ giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam đạt kết quả tích cực.
Nhằm ứng phó chủ động với diễn biến thiên tai trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ, ngành, các địa phương nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân. Đồng thời, triển khai 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung vào tăng cường nhận thức, hoàn thiện thể chế, quy hoạch - kế hoạch phòng chống thiên tai, lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai với kế hoạch - quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền, nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai./.
Bình luận