Chiều nay (ngày 17/8), theo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; xác định tỷ lệ % phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật NSNN...

Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 đối với cấp tỉnh chính là dân số trung bình năm 2022 của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...”, ông Phớc cho hay.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đề nghị chú trọng các mục tiêu, yêu cầu về: xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025). Tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên phải rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên phải rõ ràng, bảo đảm công bằng, công khai... Ảnh: Quốc hội

Theo ông Cường, Chính phủ dự kiến định mức phân bổ theo tiêu chí dân số các lĩnh vực năm 2022 tăng chung là 50% so với năm 2017. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, đây là mức tăng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh cần phải cơ cấu lại NSNN theo hướng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư. Chính phủ đã điều chỉnh giảm định mức chi quản lý hành chính theo dân số xuống còn 1,4 lần; các lĩnh vực khác vẫn giữ nguyên ở mức tăng 1,5 lần. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá kỹ về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN, cũng như khả năng bảo đảm mục tiêu phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Đề nghị Chính phủ cân nhắc các khả năng thắt chặt chi tiêu, có thể điều chỉnh giảm thêm tỷ lệ này ở các lĩnh vực khác.

Liên quan đến tiêu chí phân bổ đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ Chính phủ trình phương án bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế. Theo đó, dự toán chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể đối với các Bộ, cơ quan trung ương tính theo hiệu quả đầu ra, nhưng trong nội dung cụ thể lại không thấy thể hiện theo kết quả đầu ra. Chính phủ vẫn lấy mức chi thực tế của năm trước làm căn cứ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ có điều chỉnh chi cho lĩnh vực y tế tăng 1 lần so với năm 2017 là chưa thực sự phù hợp. Ảnh: Quốc hội

“Việc dự toán chi theo hiệu quả đầu ra không dễ thực hiện, nên đề nghị trước mắt tiếp tục lấy tiêu chí chính là biên chế sau khi xác định theo vị trí việc làm và có tiêu chí phụ điều chỉnh theo khối lượng công việc đặc thù, đột xuất theo từng thời kì, như vậy sẽ bảo đảm kết hợp một phần với kết quả đầu ra...”, Chủ tịch Quốc hội định hướng.

Ông Vương Đình Huệ gợi mở thêm, việc tiếp tục sử dụng tiêu chí dân số làm tiêu chí chính trong xây dựng định mức phân bổ NSNN đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp, đồng thời nên có các chỉ tiêu bổ sung như: về mật độ dân số, di dân tự do, lao động ngoại tỉnh... để phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương.

“Đối với chi cho lĩnh vực y tế, việc Chính phủ có điều chỉnh tăng 1 lần so với năm 2017 là chưa thực sự phù hợp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nên cần tính toán thêm...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Với 100% thành viên biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 về mặt nguyên tắc định hướng chung, đồng thời giao Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chủ trì phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đó trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.