Đã ban hành 94/102 văn bản chi tiết

“Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết…”. Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và ban hành văn bản quy định chi tiết năm 2021, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội diễn ra sáng nay (ngày 29/9), theo Văn phòng Quốc hội.

Vẫn còn “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành, bảo đảm gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách hành chính. Công tác xây dựng luật, pháp lệnh để triển khai thi hành Hiến pháp tiếp tục được quan tâm. Tính từ ngày 1/10/2020 đến ngày 24/9/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 102 văn bản quy định chi tiết. Đến nay, đã ban hành 94/102 văn bản. Chính phủ, Thủ tướng và các bộ còn có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 55 văn bản quy định chi tiết 5 luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Lê Thành Long chỉ ra những tồn tại như: việc ban hành văn bản quy định chi tiết để có hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết vẫn chưa được thực hiện triệt để, vẫn còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; công tác phối hợp trong xây dựng văn bản pháp luật giữa các bộ, ngành chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…

Cần khắc phục tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, về cơ bản, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả...

Vẫn còn “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương trình bày nội dung thẩm tra. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, bà Phương cho biết, việc tuân thủ quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết là một trong những nội dung cần làm rõ để đánh giá kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và Nghị quyết số 67/2013/QH13, nhưng thông tin trong báo cáo của Chính phủ chưa thật cụ thể, rõ nét. Việc tuân thủ tính kịp thời, đầy đủ trong tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết này của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền chưa được đánh giá sâu. Tuy đã có rất nhiều cố gắng đáng ghi nhận, nhưng việc ứng phó với tình hình dịch Covid-19 thời gian qua, đặc biệt là trong việc tổ chức thực hiện ở một số thời điểm, một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời, chưa bảo đảm sự thống nhất, làm ảnh hưởng đến công tác lưu thông hàng hóa, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân…

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị cần có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết. Đối với những văn bản quy định chi tiết, cách diễn giải quy định tại một số nội dung cần đảm bảo tính thống nhất với cách hiểu quy định của luật, tránh lúng túng trong quá trình triển khai. Cần đề cao hơn nữa việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ...

Vẫn còn “nợ” ban hành văn bản quy định chi tiết
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, nội dung thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật sẽ hoàn thiện Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. Ảnh: Quốc hội

Kết luật nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, quyết liệt để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; quan tâm hơn việc nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, rà soát văn bản để kịp thời phát hiện và sớm có biện pháp khắc phục đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.../.