Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc sắp khánh thành sau 10 năm khởi sự
Tại cuộc họp lần thứ 4 Ban chỉ đạo Dự án hợp tác xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam Hàn Quốc tại Việt Nam (Dự án VKIST) đầu tháng 9/2021, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biễn phức tạp ở cả hai quốc gia, dự án đã được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện đến hết 31/12/2021. Dự án ra đời với mục tiêu thành lập một viện nghiên cứu theo mô hình mới đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần vào việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam, sản phẩm của Dự án là bước đầu xây dựng Viện VKIST trên cơ sở tham khảo và học tập kinh nghiệm của mô hình Viện KIST. Thứ trưởng Bùi Thế Duy là đồng Trưởng ban chỉ đạo dự án này.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ở cả hai quốc gia, dự án đã được Chính phủ cho phép gia hạn thời gian thực hiện đến hết 31/12/2021 |
Ý tưởng ra đời VKIST từ kết quả cuộc đàm phán của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm chính thức tháng 3/2012, đến nay vẫn đang trong thời gian dự kiến hoàn thành. |
KIST được Chính phủ Hàn Quốc thành lập năm 1966, hiện là cái nôi phát triển khoa học công nghệ nước này. Viện nổi tiếng nghiên cứu theo đặt hàng và hầu hết sản phẩm được ứng dụng ở các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc. Theo thống kê của Hàn Quốc, các nghiên cứu của viện KIST đóng góp gần 30% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp nước này.
Ý tưởng ra đời VKIST từ kết quả cuộc đàm phán của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Tổng thống Hàn Quốc trong chuyến thăm chính thức tháng 3/2012. Tháng 5/2015, Chính phủ ban hành nghị định thành lập Viện VKIST, hoạt động theo mô hình của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Đây là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam tính đến thời điểm này. Cụ thể, ngày 9/9/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ký thỏa thuận về việc Hàn Quốc sẽ hỗ trợ không hoàn lại số vốn 35 triệu USD để thành lập VKIST tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tháng 8/2014, phía Hàn Quốc hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và kế hoạch tổng thể về dự án, tuy nhiên, cho đến nay, thời hạn khánh thành dự án được dự kiến là năm 2022.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, thành công của Viện VKIST trong tương lai không chỉ dừng lại ở thành tích của riêng Viện, của Bộ KH&CN mà là thành công của mô hình tổ chức khoa học và công nghệ chung cho Việt Nam. Từ đó có tác động tích cực đến hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời là biểu tượng đẹp của sự hợp tác KH&CN bền chặt giữa hai nước.
Đồng Trưởng ban chỉ đạo dự án VKIST phía Hàn Quốc, ông Cho Han Deok, Giám đốc KOICA Việt Nam cho biết, các hợp phần xây dựng do phía Hàn Quốc phụ trách, về cơ bản đã hoàn thành 99,8% tổng công trình, các hợp phần còn lại vẫn đang được đảm bảo tiến độ đặt ra. Ông khẳng định: “Đây là Dự án trọng tâm trong chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, nên không chỉ là Dự án quan trọng đối với Việt Nam mà còn mang ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, đồng thời thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Phía Việt Nam và Hàn Quốc thống nhất hợp phần xây dựng cần được quyết tâm triển khai hoàn thành sớm, đặt mục tiêu đối với các hạng mục còn lại như: đào tạo, tư vấn quản lý vận hành, đóng gói dự án… hoàn thiện song song trước tháng 12/2021, để sự kiện liên quan đến Lễ bàn giao, Lễ khánh thành Dự án sẽ được thúc đẩy tổ chức trong năm 2022, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước với đề xuất có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao.
TS. Kum Dongwha đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VKIST trong 5 năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022 |
Được biết, năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bổ nhiệm TS. Kum Dongwha đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng VKIST trong 5 năm, từ 1/5/2017 đến 30/4/2022. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện KIST giai đoạn 2006-2008. Viện có quyền tự chủ tự quyết. Theo đó, từ năm 2018 V-KIST quyết định chọn công nghệ thông tin và công nghệ sinh học là hai ngành mũi nhọn để phát triển trong thời gian tới. Lý giải điều này, Viện trưởng Kum Donghwa cho biết, đây là hai lĩnh vực đóng vai trò quan trọng, động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và trong tương lai./.
Bình luận