Việt Nam: Cần vượt qua nghịch lý của đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Bùi Duy Tân cho biết, đổi mới sáng tạo theo kiểu bắt chước không là “đương nhiên”, đòi hỏi nền tảng tri thức cần thiết cho hoạt động này
Nghịch lý của đổi mới sáng tạo
Nghịch lý Ngân hàng Thế giới chỉ ra cho thấy, đổi mới sáng tạo kể cả theo nghĩa rộng hay theo kiểu bắt chước cũng không là “đương nhiên”, mà đòi hỏi mức độ nhất định năng lực hấp thụ công nghệ, hấp thụ tri thức, năng lực quản lý và tổ chức, đòi hỏi doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở quốc gia đó phải tích lũy được nền tảng tri thức cần thiết cho đổi mới sáng tạo. Nếu năng lực quản lý sản xuất còn hạn chế, rất khó để doanh nghiệp thực hiện các đổi mới sáng tạo quan trọng. Do vậy, tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau các quốc gia sẽ có chính sách đổi mới sáng tạo phù hợp.
Nhìn từ khía cạnh chính sách, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ cung cấp đầu vào tri thức cho quá trình đổi mới (qua R&D, xây dựng năng lực); tạo cầu cho đổi mới sáng tạo (hình thành thị trường sản phẩm mới, tạo ra yêu cầu mới về chất lượng); hình thành các thành phần của hệ thống đổi mới (hình thành, thay đổi các tổ chức trực tiếp tham gia đổi mới sáng tạo; thúc đẩy học tập lẫn nhau, xây dựng mạng lưới và liên kết tri thức; tạo ra và hình thành các thể chế); hỗ trợ các công ty đang đổi mới sáng tạo, thông qua việc ươm tạo, cung cấp tài chính và tư vấn (ươm tạo, cung cấp tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn).
Tại Việt Nam, hệ thống đổi mới sáng tạo đang hình thành, trong đó, một số thực thể, thể chế và liên kết đã xuất hiện và hoạt động nhưng còn thiếu vắng nhiều thể chế, thực thể và liên kết khác.
Quan sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 60 trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc vườn ươm ý tưởng sáng tạo rải rác khắp cả nước. Hoạt động đổi mới sáng tạo còn chưa có sự gắn kết với việc đưa các ý tưởng, thành quả vào thực tiễn, hay nói cách khác là thương mại hóa… Cùng với đó, nếu như các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đi trước và dành nguồn lực rất lớn cho đổi mới, sáng tạo hàng năm, thì tại Việt Nam, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ (cả khu vực Nhà nước và tư nhân) rất thấp, chỉ khoảng 0,44% GDP. “Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định những cơ chế ưu đãi đặc biệt cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, nhưng đầu tư cho khoa học công nghệ, trong đó có hoạt động đổi mới sáng tạo cần được đẩy mạnh hơn nữa, từ nguồn ngân sách của Chính phủ, từ nguồn xã hội hóa hoặc từ các nguồn hỗ trợ khác, để thực thi được mục tiêu đã định”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.
Vượt qua nghịch lý của đổi mới sáng tạo, cách nào?
Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Viện Quản trị Kinh doanh châu Âu (INSEAD), Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đều phối hợp xây dựng và xuất bản báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). GII của Việt Nam mấy năm gần đầy liên tục tăng và Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia. Việt Nam được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia.
Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, từ đầu năm 2000, Bộ đã có sự chuyển hướng nhằm vào đối tượng doanh nghiệp, địa phương và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (đường biên công nghệ) thông qua tiếp nhận, phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép tạo ra công nghệ mới thông qua hoạt động sáng chế; có thiên kiến trong phân bổ nguồn lực dành cho các chương trình nghiên cứu và triển khai với mục tiêu tạo ra công nghệ mới; cần có một loạt yếu tố bổ trợ để các dự án đổi mới sáng tạo thành công; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ; tăng cường sự điều phối và xây dựng thể chế của chính sách đổi mới sáng tạo.
Chỉ số GII của Việt Nam cải thiện qua từng năm, nhưng Việt Nam vẫn cần cơ chế thúc đẩy thực chất hoạt động đổi mới sáng tạo
Để tháo gỡ các điểm yếu của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia tại Việt Nam, góc nhìn từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần khắc phục các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, gồm cả các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, can thiệp kinh tế, hạn chế về đổi mới sáng tạo và tài chính cho khởi nghiệp; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, trước hết thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ; cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động; nâng cao chất lượng và sự phù hợp của hoạt động R&D và tạo ra tri thức…
Tại Hội nghị về quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần bổ sung rõ hơn chức năng quản lý nhà nước của các đơn vị về đổi mới sáng tạo; đề xuất giải pháp tăng cường đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nâng cao vai trò, vị trí của Bộ liên quan đến quản lý nhà nước về vấn đề này./.
Bình luận