Việt Nam đã đầu tư 3,7 tỷ USD vào khu vực Tam giác phát triển tại Lào và Campuchia
Sáng nay (1/3), Hội nghị lần thứ 13 Ủy ban Điều phối chung Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đã diễn ra tại Attapeu (Lào), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khăm-chên Vông-phô-sỷ - Chủ tịch Ủy ban Điều phối của CHDCND Lào, Bộ trưởng Bộ Thương mại CHAM Ni-mul - Chủ tịch Ủy ban Điều phối của Campuchia và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Ủy ban Điều phối về Khu vực Tam giác phát triển CLV của Việt Nam.
HỢP TÁC 3 BÊN TRIỂN KHAI TÍCH CỰC VÀ HIỆU QUẢ
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam là di sản quý báu đối với cả 3 dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của 3 nước chúng ta. Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược và dành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, gắn bó và tin cậy chính trị giữa 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam là di sản quý báu đối với cả 3 dân tộc |
Năm 2024, 3 nước đánh dấu 25 năm thành lập khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, đây là một dấu mốc quan trọng của quá trình hợp tác trong khu vực. Trong 25 năm qua, 3 nước đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hợp tác chung, đã và đang góp phần xây dựng khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam không chỉ trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực, mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa 3 Quốc hội, 3 Chính phủ, các tổ chức và người dân của 3 nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm: giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.
Trong khuôn khổ hợp tác Campuchia- Lào-Việt Nam, 3 nước bước đầu đã xây dựng, hình thành được các cơ chế, chính sách thông thoáng thúc đẩy đầu tư, thương mại trong khu vực. Các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai trong các lĩnh vực thủy điện; hợp tác tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản; trồng, chế biến sản phẩm cây công nghiệp có giá trị cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng dần được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy điện.
“Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD vào khu vực Tam giác phát triển tại Lào và Campuchia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Quy mô kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng từ mức 823,4 triệu USD năm 2016 lên 1,63 tỷ USD năm 2023 (gấp 2,1 lần). Quy mô thương mại Việt Nam-Campuchia tăng gấp gần 3 lần; từ mức 2,92 tỷ USD năm 2016 lên tới 8,56 tỷ USD vào năm 2023.
Hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, giao thông, nông nghiệp, y tế, du lịch... cũng được các bộ, ngành và địa phương 3 nước triển khai tích cực và hiệu quả. Trang thông tin điện tử chung của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam với 4 thứ tiếng Campuchia, Lào, Việt và tiếng Anh đã bước đầu phát huy tốt vai trò là nguồn thông tin tư liệu quan trọng quảng bá về Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam, cập nhật các dự án, hoạt động hợp tác trong khu vực.
Toàn cảnh hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Có thể nói, với những cơ chế, chính sách thuận lợi của cả 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam dành cho Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cùng với sự nỗ lực hợp tác của 3 nước thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam”.
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong khu vực, như: hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế; một số cơ chế, thoả thuận trong khu vực đã được thông qua nhưng chưa thực sự được tích cực triển khai; nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án dành cho khu vực này từ mỗi quốc gia còn hạn hẹp, trong khi việc kêu gọi, thu hút nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài khu vực còn chưa được nhiều…
Vì vậy, để thúc đẩy việc triển khai cũng như xây dựng định hướng, kế hoạch hợp tác của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam cho các năm tiếp theo, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 3 nước cần phải có những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế.
Trong đó, về phát triển cơ sở hạ tầng, các nước cần ưu tiên nguồn lực cho phát triển các tuyến giao thông huyết mạch phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển, các trung tâm thương mại.
Về phát triển nguồn nhân lực, 3 nước cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà khu vực có thế mạnh như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch... Trước mắt cần ưu tiên các chương trình hợp tác đào tạo hiện có cho việc phát triển nguồn nhân lực cho khu vực.
Về cải cách thể chế, mỗi nước cần chủ động rà soát các cơ chế hiện hành, các vướng mắc đối với phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư..., đồng thời chủ động xác định các dự án ưu tiên trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương trong vùng.
… VÀ ĐẨY MẠNH HỢP TÁC TRÊN NHIỀU LĨNH VỰC
Bên cạnh những giải pháp đột phá trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, 3 nước cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc các lĩnh vực sau:
Thứ nhất, về hợp tác kinh tế, cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định, Thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam bao gồm cả các Hiệp định, Thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước.
Tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam để khuyến khích thương mại - đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa 3 nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới. Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa qua biên giới, bảo quản nông sản, kiểm định chất lượng... góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại…
Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực.
Triển khai nhanh, hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối 3 nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, rút ngắn khoảng cách phát triển với các thành viên ASEAN khác.
Thứ hai, bên cạnh hợp tác phát triển kinh tế, cần chú trọng tăng cường hợp tác về an ninh - đối ngoại, xã hội, môi trường. Theo đó, cần tăng cường chia sẻ thông tin, tham vấn giữa các cơ quan chức năng của 3 bên nhằm đấu tranh các loại tội phạm xuyên biên giới, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong khu vực.
Chú trọng hợp tác phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, thể dục thể thao để từng bước nâng cao dân trí người dân trong khu vực.
Đẩy mạnh hợp tác trong công tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và tài nguyên rừng, giúp đảm bảo sự ổn định, bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Thứ ba, hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực. Cần tăng cường trao đổi các đoàn, giao lưu nhân dân, thanh niên, tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên các chương trình đào tạo nghề giữa các tỉnh biên giới. Khuyến khích tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo khác mà các bên cùng quan tâm.
Cơ quan chức năng các tỉnh biên giới cùng nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đi lại của người dân, di chuyển lao động giữa các địa phương; tích cực trao đổi thông tin, phối hợp để giải quyết các tranh chấp của các nhà đầu tư trên địa bàn trên cơ sở pháp luật của mỗi nước…
Thứ tư, về nguồn lực để triển khai, trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu phát triển khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và địa phương. Ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách quốc gia (đầu tư công) để triển khai thực hiện các dự án trong khu vực. Khuyến khích, có cơ chế thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân…/.
Bình luận