Tại cuộc đối thoại, Lãnh đạo cơ quan xây dựng kế hoạch phát triển của các Quốc gia Thành viên ASEAN đã thảo luận về các chiến lược và cách thức thực hiện SDGs trong khu vực và giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19 đối với các nỗ lực bền vững; Tăng cường hợp tác giữa các cơ quan lập kế hoạch phát triển quốc gia của các Quốc gia Thành viên ASEAN và mối quan hệ hợp tác tiềm năng với các đối tác ASEAN. Các đại biểu đã thảo luận và thông qua dự thảo Tuyên bố chung của Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về Thúc đẩy các hành động để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Trong phiên thảo luận nhóm, các tham luận viên đã chia sẻ quan điểm về việc đảm bảo tiến độ liên tục của việc thực hiện SDGs, đồng thời nỗ lực giải quyết và phục hồi sau Covid-19 và đảm bảo các hành động nhất quán; các chiến lược để đảo ngược các xu hướng tiêu cực trong các mục tiêu phát triển bền vững cụ thể trong đó khu vực đang bị thụt lùi hoặc chậm tiến độ như Mục tiêu 13, Mục tiêu 14 và Mục tiêu 16 cũng như các Mục tiêu khác liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu; các phương thức tài trợ sáng tạo và đổi mới để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam khuyến nghị thành lập diễn đàn ASEAN về Tài chính đổi mới
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam vừa xây dựng Báo cáo quốc gia đầu tiên đánh giá tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu SDGs. Ảnh: Đức Trung

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã quốc gia hóa Chương trình nghị sự 2030 và 17 mục tiêu SDGs. Việt Nam vừa xây dựng Báo cáo quốc gia đầu tiên đánh giá tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu SDGs.

Mức độ đạt được các mục tiêu SDGs của Việt Nam

Theo dữ liệu đến hết năm 2019, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu SDGs vào năm 2030, bao gồm mục tiêu: 1, 2, 4, 13 và 17. “Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu còn lại”, Thứ trưởng chia sẻ.

Ngày 21/9/2021, Báo cáo có chủ đề "ESG - những bước đi đầu cho một thị trường cận biên châu Á" của HSBC cho biết, trong 17 mục tiêu SDGs, Việt Nam đang trên đường đạt được 5 mục tiêu và gần đạt được 6-7 mục tiêu khác. “Dữ liệu có một số hạn chế, bởi một số hạng mục các dữ liệu mới nhất là vào năm 2017 hoặc 2018, nhưng rõ ràng, đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam”, HSBC nhận định. Những con số đánh giá giúp xác định xu hướng rõ ràng và hỗ trợ kết luận của HSBC rằng, dựa trên hầu hết các chỉ số, Việt Nam đang đi đúng hướng.

Mức độ và xu hướng của 17 mục tiêu SDG tại Việt Nam

Số

Mục tiêu SDG

Mức độ/xu hướng

1

Xóa nghèo

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

2

Không còn nạn đói

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

3

Sức khỏe và có cuộc sống tốt

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

4

Giáo dục có chất lượng

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

5

Bình đẳng giới

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

6

Nước sạch và vệ sinh

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

7

Năng lượng sạch với giá thành hợp lý

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

8

Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

9

Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

10

Giảm bất bình đẳng

Thách thức đáng kể/NA

11

Các thành phố và cộng đồng bền vững

Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì

12

Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm

Đạt mục tiêu/NA

13

Hành động về khí hậu

Thách thức đáng kể/Trì trệ

14

Tài nguyên và môi trường biển

Thách thức đáng kể/Trì trệ

15

Tài nguyên và môi trường trên đất liền

Thách thức lớn/Đang giảm

16

Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ

Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải

17

Quan hệ đối tác vì các mục tiêu

Thách thức đáng kể/Trì trệ

Nguồn: The Decade of Action for the Sustainable Development Goals: Sustainable Development Report 2021; Cambridge University Press; Sachs, J., Kroll, C., Lafortune, G., Fuller, G., Woelm, F.

Trên cơ sở phân tích chi tiết hơn 50 chỉ số tại 77 quốc gia thuộc các thị trường phát triển, mới nổi và cận biên. Các chỉ số này thể hiện các xu hướng chuyển đổi năng lượng, rủi ro khí hậu, quản trị khí hậu và các cơ hội xanh. Việt Nam đứng thứ 53 (xem Fragile Planet 2021 - Scoring climate risks: who is the most resilient, 30/3/2021).

3 khuyến nghị chiến lược để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong thực hiện SDGs song những tiến bộ này là chưa đủ để đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Ngay cả trước khi hiện tượng toàn cầu này xảy ra, Báo cáo đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs của châu Á - Thái Bình Dương do UNESCAP thực hiện năm 2021 chỉ ra rằng Khu vực chưa đạt được đến 10% mục tiêu SDGs cụ thể vào năm 2030.

“Đặc biệt, đại dịch Covid-19 hiện đang xẩy ra và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sứ mệnh thập kỷ của tất cả các quốc gia trong việc duy trì và đạt được các mục tiêu SDGs”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Từ quan điểm của mình, Việt Nam muốn nêu ra một số khuyến nghị chiến lược để tiếp tục các nỗ lực thực hiện các mục tiêu SDGs trong khu vực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19 thông qua quá trình phục hồi xanh.

Thứ nhất, cần tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước rủi ro, dịch bệnh và các thách thức phi truyền thống thông qua việc cải thiện và hiện đại hóa hệ thống trợ giúp xã hội hướng tới mọi người dân. Cần tiếp cận đa phương với sự đoàn kết toàn cầu và khu vực trong ứng phó với đại dịch, thúc đẩy sản xuất và phân phối công bằng vắc xin.

Thứ hai, phát triển kinh tế bền vững thông qua phương thức tăng trưởng xanh cần được thúc đẩy, đồng thời coi khoa học, công nghệ và số hóa là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của ASEAN, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân. Kết nối kỹ thuật số trong thương mại cũng cần được đẩy mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu bền vững và minh bạch trong khu vực ASEAN. Chúng ta cần nhấn mạnh đến sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thứ ba, cần khẩn trương thực hiện các hành động nhằm giảm suy thoái môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, tăng cường khả năng ứng phó và chống chịu với khí hậu. Thúc đẩy các hành động chung trong khu vực ASEAN về xử lý rác thải nhựa đại dương và sử dụng bền vững tài nguyên biển.

Nên thành lập một diễn đàn của ASEAN về Tài chính đổi mới

Mặc dù hiện nay, đã có hai thỏa thuận toàn cầu định hình sự hợp tác quốc tế cũng như tầm quan trọng của các Bộ Kế hoạch và Phát triển với các đối tác phát triển, như: SDGs 2030 và Thỏa thuận Paris, nhưng Thứ trưởng chỉ rõ, thách thức lớn nhất trong việc thực hiện các cam kết này là huy động các nguồn lực để thực hiện các cam kết. Thực tế cho thấy khoảng cách giữa nhu cầu tài chính để thực hiện các mục tiêu mong muốn và phân bổ ngân sách còn lỏng lẻo, dẫn đến thất bại trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu.

“Điều này có thể thấy trong một nghiên cứu do Việt Nam và IMF thực hiện năm 2018 về nhu cầu tài chính cần bổ sung để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong 5 lĩnh vực (giáo dục, y tế, giao thông, nước và cơ sở hạ tầng điện) ước tính khoảng 7% GDP hàng năm cho đến năm 2030”, Thứ trưởng lý giải.

Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khuyến nghị các Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển ASEAN thành lập một diễn đàn của ASEAN về Tài chính đổi mới để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu SDGs và Thỏa thuận Paris trong bối cảnh hậu Covid-19.

“Diễn đàn sẽ là nơi tốt nhất cho các nước ASEAN và các đối tác phát triển cũng như cộng đồng doanh nghiệp để chia sẻ các phương pháp hay nhất và học hỏi kinh nghiệm trong việc huy động nguồn lực theo cách tiếp cận đa dạng để đạt được các mục tiêu này”, Thứ trưởng đề xuất và hy vọng sáng kiến này sẽ tạo điều kiện cho các bộ trong vai trò chung đối với việc dẫn dắt và điều phối thực hiện các mục tiêu SDG cũng như tài chính khí hậu./.