Kiên định thực hiện SDGs là con đường duy nhất để chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống

Sáng nay (24/3), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2023.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Dự thảo VNR.

Báo cáo VNR năm 2023 của Việt Nam được xây dựng với trọng tâm đánh giá tiến độ thực hiện SDGs, phản ánh những thay đổi quan trọng, cũng như phân tích các bước tiến đạt được so với năm 2018 là năm đầu tiên Việt Nam xây dựng VNR. Báo cáo đồng thời phân tích những khoảng trống về mặt chính sách, những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện SDGs và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới tại Việt Nam.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan trong thực hiện SDGs tại Việt Nam, khẳng định những nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách hướng trọng tâm tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình thực hiện SDGs.

Việt Nam đã đạt tiến bộ vượt bậc trong thực hiện các SDGs
Toàn cảnh hội thảo

TS. Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, quá trình xây dựng VNR đã tạo cơ hội để nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện SDGs tại Việt Nam. VNR cũng tạo cơ hội thúc đẩy sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan và tăng cường gắn kết chính sách, tăng cường quan hệ đối tác giữa chính phủ và các bên liên quan và cũng là cơ hội để tăng cường thu thập và phân tích số liệu thống kê về các chỉ tiêu SDGs. Đây cũng được coi là cơ sở vững chắc cho việc giám sát, đánh giá và huy động nguồn lực thực hiện SDGs tại Việt Nam.

Hiện nay, toàn cầu đã đi được gần nửa chặng đường trong thực hiện SDGs. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các báo cáo của Liên Hợp quốc cho thấy, thế giới đã không đi đúng tiến độ để đạt được các mục tiêu SDGs vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, tác động nhiều mặt của dịch Covid-19, thiên tai - biến đổi khí hậu, gia tăng xung đột trên thế giới đã làm chậm lại tiến trình thực hiện và thậm chí đảo ngược tiến bộ của một số mục tiêu SDGs.

Thế giới đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có, song bài học từ thực tế cho thấy rằng, việc kiên định theo đuổi và thực hiện các mục tiêu SDGs là con đường duy nhất để toàn cầu có thể chống chịu và phục hồi trước các thách thức phi truyền thống; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng và hướng tới một xã hội bền vững, thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Vì vậy, TS. Lê Việt Anh khẳng định: “Tham gia VNR năm 2023 đã khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiên các mục tiêu SDGs, nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người”.

Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc

Trình bày về dự thảo báo cáo, TS. Phạm Mỹ Hằng Phương, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc trong thực hiện SDGs, có thể kể đến như: trong giảm nghèo (Mục tiêu 1); đạt được bảo hiểm y tế toàn dân (Mục tiêu 3); cung cấp nước sạch cho 98,1% dân số và nhà tiêu hợp vệ sinh cho 95,6% (Mục tiêu 6); cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng (Mục tiêu 4); cải thiện ấn tượng trong phát triển công nghiệp, tăng cường đổi mới, và xây dựng cơ sở hạ tầng (Mục tiêu 9); giảm bất bình đẳng (Mục tiêu 10)…

Mặc dù vậy, cũng có những mục tiêu mà chúng ta cần phải tăng tốc, cải thiện trong thời gian tới, đó là đẩy nhanh tiến độ xóa đói, đặc biệt là giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng (Mục tiêu 2); thúc đẩy bình đẳng giới, giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và gánh nặng công việc chăm sóc không lương (Mục tiêu 5); thúc đẩy việc làm bền vững, duy trì tăng trưởng kinh tế bao trùm (Mục tiêu 8)…

Để làm được điều đó, Việt Nam cần giải quyết các ưu tiên để đẩy nhanh tiến bộ trong thực hiện các SDGs. Dự thảo báo cáo đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như: ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục hỗ trợ phục hồi sau Covid-19 cần được ưu tiên. Huy động các nguồn tài chính bổ sung và tăng hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính hiện có cho phát triển bền vững là một ưu tiên quan trọng. Ngoài ra, cần đầu tư vào nguồn nhân lực, đổi mới, số hóa để cải thiện năng suất...

Việt Nam cũng nên ưu tiên nền kinh tế xanh và tuần hoàn, khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết phát thải bằng không. Thúc đẩy cải cách hành chính công, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của hệ thống hành chính là rất quan trọng để giải quyết các nút thắt thể chế cho tăng trưởng bao trùm trong những năm tới. Cần nỗ lực hơn nữa để đạt được SDGs cho các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những người nghèo nhất và dân tộc thiểu số. Cải thiện tính sẵn có của dữ liệu để đánh giá tiến độ đạt được SDGs là một ưu tiên khác. Việc thực hiện những ưu tiên này sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc đạt được SDGs vào năm 2030.

Bà Naomi Kitahara, quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn dữ liệu sáng tạo, dựa trên phân tích chuyên sâu và huy động nhiều bên tham gia vào quá trình xây dựng VNR 2023. Chỉ riêng đầu tư vào bảo trợ xã hội và chuyển đổi năng lượng thôi cũng có thể đẩy nhanh tiến độ của SDGs.

“Liên Hợp quốc ước tính rằng, mỗi đồng đầu tư vào an sinh xã hội có thể tạo ra nhiều hơn một đồng GDP, đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn hơn, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau…”, đại diện Liên Hợp quốc nói và khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng và thực hiện các hành động tiếp theo để đẩy nhanh việc đạt được các SDG sau khi VNR được hoàn thành./.

Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên Hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 SDGs. Trong đó, VNR về thực hiện các mục tiêu SDGs được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs trên phạm vi toàn cầu. Hằng năm, trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp quốc (HLPF), các quốc gia sẽ tham gia trình bày VNR.

VNR được xem là cơ hội để các quốc gia chia sẻ kết quả đạt được, các thách thức đặt ra, cũng như bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và đề xuất các khuyến nghị nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện SDGs.

Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và tham gia trình bày VNR vào năm 2018 và năm 2023 Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày VNR lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác. Báo cáo này sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ Việt Nam thông qua và được trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao của Liên Hợp quốc vào tháng 7 năm nay. Sau sự kiện này, Báo cáo sẽ được phổ biến rộng rãi để các bên liên quan cập nhật và nắm rõ về định hướng thực hiện SDGs trong thời gian sắp tới.