Vĩnh Phúc đẩy mạnh giao lưu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2023
Đây là Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác phát triển giữa các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản.
Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị giao lưu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn đã khái quát những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp mà Vĩnh Phúc đạt được sau hơn 25 năm tái lập Tỉnh.
Ông Văn cho biết, đến hết năm 2022, toàn Tỉnh thu hút được 450 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỷ USD. Trong đó, có 58 dự án của Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,62 tỷ USD, đứng thứ 2 về số dự án, số vốn đăng ký đầu tư, nhưng đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực như: Sản xuất ô tô, xe máy, chế tạo, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của Vĩnh Phúc, giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản, điển hình là Dự án cải thiện môi trường đầu tư trị giá 152 triệu USD đã giúp Tỉnh giải quyết được những bất cập ban đầu như: Thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lạc hậu. Quan hệ thương mại giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản đã có khởi sắc, nhiều sản phẩm được xuất khẩu và nhiều công dân của Tỉnh đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản.
Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch của khu vực và cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Tỉnh. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động và chủ trương thu hút có chọn lọc, lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (đứng giữa) chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản |
Đối với thị trường Nhật Bản, ngoài việc tăng cường thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với 2 tỉnh Akita và Tochighi. Trong đó, có các dự án đang triển khai như: Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) của Tập đoàn Sumitomo; dự án đầu tư, phát triển bò thịt tại Việt Nam của Tập đoàn Sojitz; tăng cường giao lưu, hợp tác với các địa phương khác của Nhật Bản. Tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện môi trường... Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội thực hiện các hoạt động thương mại, xuất khẩu sản phẩm chủ lực của Tỉnh sang Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác du lịch, kết nối đưa khách du lịch của Nhật Bản sang Vĩnh Phúc để du lịch thể thao golf, như mô hình đang triển khai đối với Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu Asia Group tại Vĩnh Phúc.
Chú trọng việc chia sẻ kinh nghiệm lập quy hoạch phát triển du lịch; kết nối hợp tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hợp tác xuất khẩu lao động; tăng cường hợp tác nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực: Sản xuất và tiêu thụ giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, chế biến nông sản và thực phẩm; hỗ trợ, hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm.
Nhân dịp này, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu Asia Group; Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) và Công ty VY Planning đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.
Cũng tại Hội nghị, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc đã cung cấp cụ thể cho các nhà đầu tư Nhật Bản thông tin về tình hình quỹ đất sạch hiện tại ở các KCN của Tỉnh, cũng như về một số dự án hạ tầng KCN cần thu hút đầu tư.
Theo đó, chia sẻ thông tin về các KCN trên địa bàn Tỉnh, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng diện tích 5.487,31 ha. Trong đó, có 16 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (gồm các KCN: Kim Hoa 50 ha; Khai Quang 221,46 ha; Bình Xuyên 286,98 ha; Bình Xuyên II 42,21 ha; Thăng Long Vĩnh Phúc 213 ha; Sơn Lôi 257,35 ha; Bá Thiện 325,75 ha; Bá Thiện II 308,83 ha; Tam Dương I - khu vực 2: 156,76 ha; Tam Dương II - khu A: 135,17 ha; Sông Lô I: 177,36 ha; Sông Lô II: 165,66 ha; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1) 145,27 ha; Nam Bình Xuyên 290,152 ha; Phúc Yên 127,74 ha và Đồng Sóc 206,5 ha).
Theo phương án phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại Quy hoạch tỉnh, trong giai đoạn 2021- 2030 phát triển thêm 4 KCN mới gồm: KCN Bình Xuyên - Yên Lạc, quy mô 477,38 ha tại xã Phú Xuân, thị trấn Thanh Lãng - huyện Bình Xuyên và xã Văn Tiến - huyện Yên Lạc; KCN Yên Lạc, quy mô 183ha ở xã Yên Phương và xã Nguyệt Đức - huyện Yên Lạc; KCN Đồng Sóc Yên Lạc mở rộng quy mô 115 ha, thuộc xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc; KCN đô thị dịch vụ Sông Lô 259 ha tại các xã Đồng Thịnh, Đức Bác, Cao Phong, huyện Sông Lô. Qua đó, nâng tổng số KCN trên địa bàn Tỉnh thời kỳ 2021- 2030 lên 23 KCN; sau năm 2030 sẽ phát triển thêm 4 KCN gồm: KCN Lập Thạch 3, quy mô 146 ha, tại các xã Tử Du, Liên Hòa, Bàn Giám, huyện Lập Thạch; KCN Lập Thạch 4, quy mô 148 ha, tại xã Tiên Lữ và Đồng Ích, huyện Lập Thạch; KCN Lập Thạch 5, quy mô 154 ha, tại các xã Đình Chu và Đồng Ích huyện Lập Thạch; KCN Sông Lô 4, quy mô 215 ha, tại các xã Phương Khoan, Nhân Đạo, huyện Sông Lô. Nâng tổng số các KCN trên địa bàn Tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lên 27 KCN.
Về thông tin quỹ đất tại các KCN, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay, quỹ đất tại các KCN đã đi vào hoạt động không còn nhiều. Tại các KCN còn quỹ đất có thể cho thuê là KCN Thăng Long (34 ha); Tam Dương II – khu A (5 ha) đã có nhà đầu tư thứ cấp quan tâm và đang đàm phán thuê lại đất với các chủ đầu tư KCN. Hiện chỉ còn KCN Bá Thiện – phân khu I có 152,67 ha quỹ đất công nghiệp có thể sẵn sàng thu hút đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong thời gian tới có thể quan tâm nghiên cứu đầu tư vào các KCN đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm các KCN: Sơn Lôi; Nam Bình Xuyên; Sông Lô I; Sông Lô II; Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực II – giai đoạn 1); Tam Dương I – khu vực 2.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ về thông tin địa điểm xây dựng các trung tâm thương mại (TTTM), đồng thời cung cấp các điều kiện yêu cầu đối với nhà đầu tư quan tâm đến các dự án xây dựng trường học. Theo đó, hiện nay trên địa bàn Tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 81 chợ truyền thống và nhiều loại hình mua bán tự phục vụ khác.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 7 siêu thị và 2 TTTM. So với cùng kỳ năm trước bằng 100% về số siêu thị và trung tâm thương mại. Hệ thống trung tâm thương mại hiện có gồm: Trung tâm thương mại Hà Minh Anh, hoạt động tốt, tỷ lệ mặt bằng lấp kín cao, mới được cải tạo sửa chữa; Trung tâm thương mại Soiva, đang hoạt động, nhưng xuống cấp nhiều, tỷ lệ mặt bằng trống cao. Ngoài ra, còn một số dự án đô thị, nhà ở đang xây dựng có quy hoạch trung tâm thương mại đang được triển khai; một số trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp văn phòng quy mô vừa và nhỏ đang được triển khai trên địa bàn Tỉnh.
Trong thời kỳ 2021-2030, Tỉnh sẽ tập trung phát triển siêu thị các loại (chủ yếu là hạng II và III); riêng siêu thị hạng I và TTTM chỉ phát triển theo quy hoạch (chủ yếu ở các khu đô thị, các KCN lớn đang được đầu tư phát triển). Đối với phát triển siêu thị và TTTM trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 là khu vực sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách, do vậy tùy theo điều kiện phát triển và thu hút kêu gọi đầu tư của các địa phương. Cụ thể, đối với Thành phố, bố trí ít nhất 5 điểm để xây dựng các TTTM, trong đó có ít nhất 1 điểm tại trung tâm có diện tích ≥ 5 ha. Đối với thị xã: Bố trí từ 3-5 địa điểm để xây dựng các TTTM có diện tích ≥ 3 ha. Đối với cấp huyện, bố trí từ 3-5 địa điểm để xây dựng các TTTM có diện tích ≥ 2 ha./.
Bình luận