Khống chế dịch thành công, tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 10 năm

Với sự vào cuộc đồng bộ toàn lực của hệ thống chính trị, Vĩnh Phúc đã tập trung dập tắt nhanh chóng làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh trong đầu tháng 5. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp các ngành tại Vĩnh Phúc trước đợt bùng phát trở lại lần này của làn sóng dịch bệnh với biến chủng nguy hiểm, lây nhiễm nhanh lan ra các ổ dịch tại các địa điểm nguy hiểm như Bar, Massage, công ty Vinatop (gần khu công nghiệp), nhà hàng và xuất hiện ca nhiễm tại 3 bệnh viện lớn (Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Đông Y).

Vĩnh Phúc quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu 2021
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, không có doanh nghiệp nào phải đóng cửa, không người lao động nào phải mất việc làm

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết với kinh nghiệm và sự nhạy bén trong chiến lược tập trung phòng, chống dịch của địa phương, đến nay dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt; các hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì, đời sống nhân dân được đảm bảo. “Với sự quyết liệt ngay từ đầu, 4 ổ dịch với 90 ca nhiễm mới ngoài cộng đồng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã được kiểm soát chỉ trong vòng 10 ngày. Không có DN nào phải đóng cửa, không người lao động nào phải mất việc làm, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao”, Chủ tịch Lê Duy Thành khẳng định.

Đây là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ các các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể, theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của Vĩnh Phúc ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với vùng Đồng bằng Sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc (chỉ thấp hơn Hòa Bình, Ninh Thuận), đồng thời là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 21,98%, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,78%, ngành dịch vụ tăng 7,54%. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đat 17.128 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vĩnh Phúc quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu 2021
Dịch được khống chế giúp doanh nghiệp Vĩnh Phúc sớm phục hồi sản xuất kinh doanh

Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 11.009 triệu USD, tăng 26,32%, trong đó xuất khẩu đạt 5.553 triệu USD, tăng 26,5%, nhập khẩu đạt 5.456 triệu USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ 2020. Tăng trưởng tín dụng đạt khá với tổng dư nợ cho vay đạt 94.500 tỷ đồng, tăng 7,32% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 chỉ tăng 0,06%); cơ cấu tín dụng tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và đầu tư phát triển (chiếm tỷ lệ 86,2 % tổng dư nợ); nợ xấu ước đến 30/6/2021 là 520 tỷ đồng, giảm gần 3% so với tháng 12/2020, chiếm tỷ lệ 0,55% tổng dư nợ.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 177,66 triệu USD vốn FDI, đạt 44,4% kế hoạch. Về thu hút vốn đầu tư DDI tỉnh đã thu hút đạt 7.509,2 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 136,5% kế hoạch năm 2021. Tính lũy kế hết tháng 6/2021, tổng số dự án trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực là 1.227 dự án, trong đó có 416 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD và 811 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 100,9 nghìn tỷ đồng.

Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2021

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp trên cả nước với nguy cơ bùng phát rất cao, đặc biệt tại các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 cùng với dự báo các các yếu tố tác động trong từng kịch bản để chủ động có giải pháp duy trì giữ vững mục tiệu phát triển kinh tế xã hội năm 2021 như mục tiêu đã đề ra.

Cụ thể, ở kịch bản 1 là kịch bản tối ưu nhất, dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 sẽ đạt khoảng 9,5-10%. Tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng 4,5-5%, dịch vụ khoảng 4-4,5% và công nghiệp ‑ xây dựng khoảng 13-14%. Dự báo cụ thể cho từng lĩnh vực, đối với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ sản phẩm sẽ giảm sút , do đó dự báo tăng trưởng các lĩnh vực này dự kiến từ 4,5-5% so năm 2020.

Với ngành công nghiệp ‑ xây dựng, với dự kiến kế hoạch sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay chưa thay đổi (qua khảo sát Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam), nếu dịch bệnh Covid 19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh cũng có nguy ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư và sản xuất tại tỉnh trong thời gian tới. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng thêm do phải sử dụng các biệp pháp lưu trữ hàng hóa, kho bãi, chi phí vận tải, phòng lây nhiệm dịch bệnh Covid 19 cho người lao động. dự báo ngành công nghiệp – xây dựng tăng trưởng khoảng 13-14%.

Vĩnh Phúc quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu 2021
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Vĩnh Phúc dự kiến không thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021

Trong lĩnh vực dịch vụ, trong trường hợp dịch Covid-19 được khống chế trong quý III thì trong quý IV việc quyết liệt thực hiện các chính sách, các hoạt động xúc tiến thương mại kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ phục hồi, dự báo quý III tốc độ tăng trưởng của ngành giảm từ 3-5%, quý IV tăng 3-5%; cả năm 2021 tăng trưởng của ngành dịch vụ có thể đạt mức tăng 4-4,5%.

Ở kịch bản 2, với giả định dịch Covid-19 được Việt Nam khống chế trong Quý IV/2021 và Vĩnh Phúc kiểm soát tốt được dịch bệnh như hiện nay; Dự báo tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 sẽ đạt khoảng 7,0-7,5%, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 4,5-5%, ngành công nghiệp ‑ xây dựng tăng khoảng 11-12%, ngành dịch vụ tăng khoảng 1-3%.

Đây là kịch bản Vĩnh Phúc kiểm soát tốt được dịch bệnh như hiện nay nhưng trong cả nước tới quý IV mới khống chế được dịch bệnh. Trong kịch bản này, nhiều doanh nghiệp dự báo phải giảm công suất sản xuất để đảm bảo thực hiện phòng dịch, các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, vận tải vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, sản xuất công nghiệp và xây dựng chững lại, thu nhập người lao động giảm sút kéo theo cầu dần suy giảm.

Kịch bản 3 là kịch bản cho tình huống xấu nhất với giả định Vĩnh Phúc có 300-500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài cộng đồng. Nếu vậy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ khoảng 4-5%, tăng trưởng nông nghiệp là 4-4,5%, công nghiệp - xây dựng là 7-7,5% và dịch vụ là 0%. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay chính quyền các cấp cũng như các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh và thích ứng dần với điều kiện bình thường mới bằng cách ứng dụng công nghệ trong sản xuất kinh doanh, điều hành… “Trong bối cảnh này, với kinh nghiệm và sự chủ động của địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong ứng phó dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh dự báo vẫn có khả năng tăng trưởng khá”, ông Lê Duy Thành tin tưởng nhận định.

Vừa chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Để giữ vững thành quả chống dịch, đảm bảo ổn định tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, Vĩnh Phúc xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong thời gian tới. Cụ thể, chia sẻ về công tác điều hành những tháng tới, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nêu bật các giải pháp cũng như các kiến nghị chính sách chủ chốt. Cụ thể, các cấp, các ngành phải ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Không được chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, khuyến nghị của cơ quan Y tế về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quyết liệt thực hiện các biện pháp kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. Tập trung nguồn lực đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc xin, góp phần sớm hoàn thành miễn dịch Covid-19 cho nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để tạo điều kiện cho hoạt động thuận lợi của các doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách và tạo đột phá về thể chế; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đặc biệt các điều kiện đầu vào cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát giá cả nguyên vật liệu, đáp ứng đủ nhu cầu lao động. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công tạo tác động lan tỏa cho các ngành lĩnh vực trên địa bàn; Đẩy nhanh chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách hành chính, Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhấn mạnh đề nghị các Bộ ngành đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới các chuỗi cung ứng, đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vùng dịch sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có chính sách kích cầu người tiêu dùng như giảm thuế trước bạ đối với mặt hàng ô tô và hỗ trợ vay tiêu dùng, các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ giảm thiểu thủ tục xuất nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan tại cảng cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Lê Duy Thành cũng nhấn mạnh, đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế sớm có nguồn vắc xin tiêm phòng COVID-19 cấp cho tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời đề nghị Chính phủ tập trung rháo gỡ các vướng mắc bất cập tại các Luật để tạo hành lang pháp thống nhất trong triển khai, thực hiện; Đồng ý cho cơ chế ứng vốn giải phóng mặt bằng theo kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất cho doanh nghiệp du lịch giãn thời gian nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội năm 2021; giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh cá thể; giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021; giảm tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong hai năm 2021 và 2022; giảm giá điện, nước kinh doanh trong giai đoạn dịch bệnh; sớm có chính sách hỗ trợ người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm chia sẻ một phần khó khăn cho người lao động./.