Vĩnh Phúc sẽ phát triển 23-25 khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030
Đường vào KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, được biết ngay từ những ngày đầu phát triển các các khu công nghiệp (KCN), tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định công tác quy hoạch đóng vai trò định hướng trong quá trình xây dựng các KCN trên địa bàn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Chủ trương đúng đắn của lãnh đạo Tỉnh đã xác định công tác quy hoạch là bước đệm cho việc xây dựng nền móng phát triển các KCN sau này. Theo đó, công tác quy hoạch Tỉnh nói chung và quy hoạch các KCN trên địa bàn nói riêng luôn phải đi trước một bước, gắn với quy hoạch phát triển vùng, ngành kinh tế của địa phương.

Thực tế những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã khai thác tốt về lợi thế vị trí cũng như những điều kiện về phát triển hạ tầng, đất đai cho phát triển công nghiệp. Các dự án đầu tư, các KCN mới xây dựng được bố trí phát triển chủ yếu tập trung gần các đô thị lớn trong Tỉnh, có vị trí tiếp gần với Thủ đô Hà Nội, thị trường lớn và có các điều kiện về hạ tầng tốt hơn; nhưng vẫn đảm bảo khai thác, phát triển các KCN tại các khu vực gò đồi, đất xấu, hạn chế quy hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp làm KCN theo định hướng đề ra.

Để tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh về xây dựng, phát triển các KCN, trong những năm qua Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tham mưu đề xuất cơ chế để xây dựng và phát triển các KCN. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng các KCN được Ban Quản lý thực hiện theo đúng trình tự, quy định, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh. Đến nay, trật tự xây dựng trong các KCN ngày một đi vào nền nếp. Việc quy hoạch và xây dựng các KCN hợp lý kết hợp với công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chi tiết một cách chặt chẽ, bài bản đã góp phần đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các KCN trong Tỉnh.

Trên địa bàn Tỉnh đã dần hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng với một số tập đoàn lớn vào đầu tư; đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã cho ra đời những sản phẩm công nghiệp chủ lực với số lượng lớn, chất lượng tốt và có sức cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần gia tăng xuất khẩu, tăng thu ngân sách cho Tỉnh, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trong Tỉnh và lao động tại các địa phương lân cận.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn tình hình triển khai công tác quy hoạch, phát triển các KCN thời gian gần đây?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Đến năm 2020, Tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31 ha.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh Vĩnh Phúc phát triển mới 02 KCN là: KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Sơn Lôi. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn Tỉnh có 09 KCN được thành lập và cấp Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tổng diện tích đất quy hoạch là 1.838,75 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 1.353,72 ha; tống vốn đầu tư đăng ký là 8.231,87 tỷ đồng và 117,42 triệu USD. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 64,2%.

Nhìn chung, giai đoạn 2015-2020 các KCN được xây dựng trên địa bàn đã tạo ra quỹ đất sạch, có hạ tầng tương đối đồng bộ, đáp ứng các yêu cầu cơ bản phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư. Các KCN đã thu hút được nhiều dự án, sản xuất ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tỉnh, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, góp phần tăng thu ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.041,07 ha; trong đó có 08 KCN đã đi vào hoạt động cụ thể: KCN Khai Quang (216,24 ha), KCN Bình Xuyên (286,98 ha), KCN Kim Hoa (50 ha), KCN Bá Thiện (325,75 ha), KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha), KCN Bá Thiện II (308,83 ha), KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha), KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha).

Hiện nay, cơ sở hạ tầng các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư (bao gồm cả nhà máy xử lý nước thải). Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp như: KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1. Các KCN còn lại đang tiếp tục triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Đối với 06 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021 gồm: KCN Sông Lô II, KCN Tam Dương I - KV2, KCN Sông Lô I, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1), hiện đang thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, KCN Bá Thiện - phân khu I đang được nhà đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (KCN Bá Thiện - phân khu I là KCN đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư).

Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch từ 23-25 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 7.000 ha. Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ tích hợp nội dung Quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc sẽ phát triển 23-25 khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030

Dự án đầu tư thứ cấp đang triển khai trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Theo ông trong quá trình phát triển các KCN đã có những rào cản gì ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các dự án KCN? Để giải quyết hiệu quả những khó khăn đó, Ban Quản lý có những giải pháp hữu hiệu nào, thưa ông?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Trong quá trình quy hoạch và xây dựng, phát triển các KCN trên địa bàn, Ban Quản lý cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách (liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành). Bên cạnh đó, có nhiều nguyên nhân khách quan tác động đã làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN cũng như tiến độ thu hút đầu tư, cụ thể:

Một số KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển KCN với diện tích lớn, nhưng khi triển khai dự án phát triển hạ tầng KCN thì vướng mắc về đất tôn giáo, tín ngưỡng, đất hành lang đường điện, đất quân sự, nghĩa trang, dân cư,... nên không triển khai hết diện tích đất quy hoạch phát triển KCN (cụ thể như: KCN Tam Dương I; Tam Dương II; Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa).

Một số KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định thành lập KCN nhưng khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án và có quỹ đất sạch để cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đầu tư, triển khai dự án (KCN Bá Thiện II: 104 ha, KCN Tam Dương II – Khu A: 34 ha).

Sau khi HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND ngày 08/3/2021 về việc ban hành một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, cơ bản được nhân dân địa phương đồng tình, ủng hộ, do đó tiến độ bồi thường GPMB đối với phần diện tích còn lại của KCN Bình Xuyên, Sơn Lôi đang được đẩy nhanh.

Hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN, nhất là hệ thống giao thông chậm được đầu tư hoặc đã xuống cấp, chưa kịp thời duy tu bảo dưỡng; việc quản lý nhà nước đối với hạ tầng giao thông ngoài hàng rào của một số KCN chưa tốt; tình trạng họp chợ, quán bán hàng gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN.

Để giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc trên, Ban Quản lý cho rằng, cần có sự chung tay vào cuộc của các đơn vị chức năng; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành trong Tỉnh sẽ góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp để giải quyết những gốc rễ của vấn đề trong từng lĩnh vực cụ thể song có liên quan chặt chẽ , bổ trợ cho nhau. Theo đó Ban tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn triển khai các nội dung Kế hoạch lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN trong phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, quy hoạch diện tích cụ thể cho từng KCN đảm bảo hợp lý, phù hợp với quỹ đất của địa phương và khả năng thu hút đầu tư.

Ban Quản lý các KCN thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng tập trung, chuẩn bị sẵn các nguồn lực cần thiết để đền bù, giải phóng mặt bằng các KCN; Tham mưu UBND Tỉnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, cụ thể:

Đối với các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chủ trương đầu tư: Ban tiếp tục hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và quy định của pháp luật có liên quan khác; giám sát, đánh giá, đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo góp đủ số vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác để đủ nguồn lực triển khai thực hiện dự án.

Đối với 05 KCN chưa lựa chọn được chủ đầu tư: Chủ động nghiên cứu, báo cáo UBND Tỉnh triển khai thực hiện lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo quy định.

Rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn Tỉnh để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.

Rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong và ngoài hàng rào các KCN. Yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt; đồng thời đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN để tạo môi trường cảnh quan KCN hấp dẫn thu hút đầu tư và an toàn xã hội.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả chương trình đầu tư công về đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các KCN trên địa bàn tỉnh. Phát triển đồng bộ hạ tầng đến chân hàng rào KCN để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!