Cụ thể, công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện ngay một số nội dung sau:

Nhanh chóng khôi phục công trình cấp nước sạch, thoát nước

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các nhà máy cấp nước, thoát nước đô thị; đề xuất các giải pháp an toàn công trình, hoạt động của công trình cấp, thoát nước, bảo đảm cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Vĩnh Phúc giao các cơ quan đơn vị ứng trực, bảo đảm an toàn công trình, hoạt động của các nhà máy cung cấp nước sạch trong và sau bão. Ảnh: Vĩnh Phúc

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của các nhà máy cấp nước nông thôn; đề xuất các giải pháp bảo đảm an toàn công trình, hoạt động của nhà máy; đề xuất giải pháp hỗ trợ nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân vùng ngập, lụt. Sở Công thương phối hợp UBND các huyện, thành phố, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc rà soát thực trạng cấp điện cho các công trình hạ tầng (cấp nước, thoát nước), chỉ đạo các đơn vị cung cấp điện liên quan ưu tiên, có giải pháp cung cấp điện cho các nhà máy cấp nước, thoát nước.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh thông báo, tuyên truyền cho Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm nước; phối hợp với các đơn vị cấp nước để có phương án khắc phục cấp nước tạm thời bảo đảm sinh hoạt và sản xuất.

Đặc biệt, công văn của UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cấp nước trên địa bàn Tỉnh trong thời gian này ưu tiên cấp nước theo thứ tự ưu tiên; bố trí nhân lực, vật lực khắc phục ngay sự cố tại các nhà máy cung cấp nước sạch do ảnh hưởng của mưa, lũ để vận hành khai thác một phần công suất và bảo vệ công trình cấp nước tối đa nhất có thể nhằm giảm thiếu các thiệt hại do mưa bão gây ra. Đồng thời, lên kế hoạch khắc phục ngay công trình khi nước lũ rút; bảo đảm vận hành các công trình cấp nước khác để hỗ trợ cấp nước cho các vùng bị ảnh hưởng do dừng hoạt động các công trình cấp nước.

Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, Công an Tỉnh, UBND huyện Sông Lô và UBND huyện Vĩnh Tường hỗ trợ các đơn vị cấp nước về nhân lực, vật lực di chuyển máy móc thiết bị vào khu vực an toàn, bảo đảm máy móc thiết bị vận hành trở lại khi đủ điều kiện. Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ hỗ trợ các thủ tục liên quan để kịp thời khắc phục các công trình cấp nước trở lại được sớm nhất.

Bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng

UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu triển khai có hiệu quả các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1675 ngày 22/4/2024 về phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão; chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4014 ngày 7/6/2024, Văn bản số 6698 ngày 6/9/2024 về phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người, nhà ở, công trình mùa mưa bão.

UBND Tỉnh giao Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh thực hiện ngay các giải pháp đối với các công trình đang thi công và đang sử dụng. Trong đó, đối với các công trình đang triển khai thi công xây dựng, tập trung, bố trí nhân lực, thiết bị trực 24/24h để kịp thời ứng phó, khắc phục khi xảy ra các sự cố công trình nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản; tăng cường kiểm tra, rà soát công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình; có biện pháp gia cố, chống đỡ, di dời... đối với nhưng khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình và công trình lân cận.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông trực tiếp đi kiểm tra, yêu cầu rà soát ứng trực 24/24h, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu. Ảnh: Vĩnh Phúc

Đối với những công trình đang sử dụng, thường xuyên bố trí nhân lực túc trực tại văn phòng, trụ sở làm việc để kịp thời ứng phó, khắc phục khi có sự cố xảy ra; tổ chức kiểm tra, rà soát các dấu hiệu gây mất an toàn công trình, các cấu kiện thuộc công trình có nguy cơ mất an toàn và có biện pháp gia cố, xử lý, khắc phục ngay nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và công trình lân cận. Đồng thời, tăng cường công tác duy tu, sửa chữa, bảo trì chống xuống cấp công trình, đặc biệt là các bộ phận liên quan đến hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, phòng cháy chữa cháy; tăng cường công tác bảo đảm an toàn sử dụng điện, ngắt cầu dao và hạn chế sử dụng các thiết bị điện khi có mưa bão, ngập lụt; hạn chế tối đa tập trung đông người trong trường hợp không cần thiết đối với các công trình công cộng khi có mưa, bão xảy ra.

Đối với các công trình tại Tam Đảo, UBND huyện Tam Đảo có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp với UBND thị trấn Tam Đảo và cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi, bảo trì các công trình đã đưa vào sử dụng để bảo đảm công trình được vận hành an toàn, lưu ý phải kiểm tra tổng thể toàn bộ công trình ngay trước thời điểm có mưa bão và sau khi kết thúc mưa bão. Trong đó, tập trung vào các công trình kinh doanh dịch vụ lưu trú nhà ở kiểu homstay, nhà hàng, quán nước kết hợp điểm check in ngắm cảnh, chụp ảnh.

UBND Tỉnh cũng yêu cầu UBND thành phố Phúc Yên chủ động kiểm tra, theo dõi các chung cư cũ xuống cấp nguy hiểm trên địa bàn để xây dựng phương án kịp thời và cương quyết di chuyển những hộ dân đến nơi ở bảo đảm an toàn.

Tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên sông Lô, sông Hồng và sông Phó Đáy

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 93, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công điện số 05 yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi và các cấp, ngành tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện số 93 và các Công điện số 88 ngày 06/9, số 87 ngày 05/9, số 86 ngày 03/9, số 92 ngày 10/9; chỉ đạo của các cơ quan Trung ương; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tỉnh, UBND Tỉnh trong thời gian vừa qua để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Tỉnh.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Các lượng lượng khẩn trương gia cố phần đê xung yếu đoạn qua thôn Đồng Dừa xã Hải Lựu huyện Sông Lô. Ảnh: Vĩnh Phúc

Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ", chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điếm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông, kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao. UBND tỉnh giao nhiệm Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phưong triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với các tuyến đê sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy trên địa bàn Tỉnh. Chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước lớn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Đồng thời, theo dõi chung việc tổ chức triển khai nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; kịp thời chỉ đạo hoặc tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo đối với những nội dung vượt thẩm quyền để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu đế kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Giao Công an Tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.

Kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê và tính mạng, tài sản của nhân dân

Để đảm bảo an toàn tối đa hệ thống đê điều và tính mạng, tài sản của nhân dân, lãnh đạo Tỉnh đã đến các điểm xung yếu trên địa bàn Tỉnh trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Chiều 10/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông đã đến kiểm tra, chỉ đạo xử lý khắc phục sự cố nước sông Lô chảy ngược vào cống Cầu Dừa, thôn Đồng Dừa, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông chỉ đạo khắc phục sự cố. Ảnh: Vĩnh Phúc

Cống Cầu Dừa rộng 2,2m, cao 2,5m có nhiệm vụ tiêu thoát úng cho khoảng 100 ha lúa và hoa màu khu vực Đồng Dừa. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mực nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Lô dâng rất cao. Từ tối 09/9, tại vị trí cống Cầu Dừa, nước từ sông đã đổ ngược vào cống với lưu lượng lớn khiến việc đóng cống gặp khó khăn, gây nguy cơ ngập lụt cho khu vực Đồng Dừa và có khả năng ảnh hưởng tới toàn huyện Sông Lô.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Đặt rọ đất, đá chặn miệng cống không cho nước sông Lô chảy ngược vào cống Cầu Dừa. Ảnh: Vĩnh Phúc

Để khắc phục tình trạng này, từ 4h sáng ngày 10/9, huyện Sông Lô đã chỉ đạo các đơn vị chức năng huy động nhân lực, phương tiện tham gia ứng cứu, chở hàng trăm khối đất, đá đến hiện trường tiến hành kè bờ đê, chặn dòng nước đổ vào cống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của Nhân dân.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Miệng cống Cầu Dừa cơ bản đã bị bịt, hạn chế nước từ sông chảy ngược vào bên trong. Ảnh: Vĩnh Phúc

Kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông đánh giá cao tinh thần chủ động và sự tích cực tham gia của các lực lượng chức năng trong khắc phục sự cố. Đồng thời, đề nghị huyện Sông Lô cùng với khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng khắc phục sự cố tiếp tục thực hiện rà soát lại tất cả các điểm có nguy cơ mất an toàn đê, những điểm nguy cơ sạt lở đất; theo dõi sát diễn biến, mực nước dâng trên hệ thống sông Lô để có giải pháp chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Khẩn trương khắc phục ngập úng tại các KCN và đường tỉnh lộ

Cũng trong sáng 12/9, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Vũ Việt Văn đã đi kiểm tra tình hình ngập úng và chỉ đạo phương án tiêu thoát nước trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Kiểm tra thực tế tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên II, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Bình Xuyên, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp kịp thời có phương án tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng.

Vĩnh Phúc tập trung mọi nguồn lực ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ sau bão số 3
Lãnh đạo Tỉnh kiểm tra tình hình ngập úng và chỉ đạo phương án tiêu thoát nước trên địa bàn huyện Bình Xuyên. Ảnh: Vĩnh Phúc

Chủ động theo dõi mực nước, khi nước dâng cao phải bố trí các máy bơm để tiêu thoát nước kịp thời, đắp bờ để ngăn không cho nước ngập vào các nhà xưởng; khơi thông cống thoát của các công ty để nước thoát ra hệ thống thoát nước chung của khu công nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp không được chủ quan, lơ là, bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, cập nhật kịp thời diễn biến mưa, lũ để chủ động ứng phó hiệu quả.

Đối với tình trạng ngập úng cục bộ tại đường Tỉnh lộ 301B, huyện Bình Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu các lực lượng chức năng huyện Bình Xuyên cử lực lượng canh gác 24/24 giờ, cảnh báo nguy hiểm, không để người dân đi qua.

Tại hồ Thanh Lanh, chỉ đạo công tác vận hành hồ chứa, đồng chí Phó Chủ tịch UBND Tỉnh đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo theo dõi sát mực nước, tiến hành xả tràn theo đúng quy trình để bảo đảm an toàn hồ đập, đặc biệt là bảo đảm an toàn vùng hạ du./.