Vĩnh Phúc tập trung toàn lực chủ động ứng phó với bão số 3
Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở HĐND - UBND Tỉnh và kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại các huyện, thành phố tại địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh chủ trì cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã báo cáo nhanh tình hình, công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3; những khó khăn, vướng mắc, tình hình thiệt hại và công tác khắc phục thiệt hại. Đồng thời, thảo luận, đề xuất và các giải pháp ứng phó trong và sau bão.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nên từ chiều tối ngày 6/9 đến ngày 7/9/2024, trên địa bàn Tỉnh đã có mưa rào và dông, kèm theo gió giật. Tính đến 13h00’ ngày 7/9, lượng mưa phổ biến từ 30 đến 90mm; cấp độ gió lúc 14h00 giật cấp 7. Mực nước lúc 7h ngày 7/9 trên sông Hồng tại Trạm Đại Định là 6,30m, dưới báo động 1 là 7,10m; trên sông Lô tại trạm Then là 8,80m, dưới Báo động 1 là 6,20m; trên các sông nội đồng đang ở mực nước thấp. Đối với các hồ chứa, mực nước trên các hồ đập lớn đa số ở mức ngưỡng tràn. Theo đó, các hồ: Thanh Lanh, Xạ Hương, Đại Lải đã ban hành lệnh xả tràn và công tác xả tràn vẫn đang bảo đảm an toàn. Các trạm bơm tiêu: Nguyệt Đức, Kim Xá và Cao Đại đã và đang vận hành tiêu nước đệm; các trạm bơm tiêu khác chưa vận hành do mực nước còn thấp và sẵn sàng vận hành khi mực nước lên cao. Công tác bảo đảm theo phương châm bốn tại chỗ được các sở, ngành, địa phương thực hiện bảo đảm theo quy định và các kịch bản, phương án đã được phê duyệt.
Về công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện, những ngày qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó với bão số 3. Cụ thể, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 tại các số đơn vị, địa phương trên địa bàn Tỉnh. Thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn Tỉnh, những ngày qua, các cấp, ngành, địa phương trong Tỉnh đã và đang chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động ứng phó với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặt biệt là nguy cơ mưa lũ gây ngập úng vũng trũng thấp, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống... Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường, khó lường của cơn bão, tính đến 14h30’ ngày 7/9, mặc dù không có thiệt hại về người nhưng cơn bão số 3 đã làm gãy đổ nhiều cột điện, cột đèn, cây xanh, hoa màu; nhiều nhà dân và một số cơ sở trường học, cơ quan bị tốc mái, trong đó có khoảng 6.000 ha lúa bị ảnh hưởng.
Tuyệt đối không chủ quan trước diễn biến của bão, tập trung toàn lực ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão
Nhấn mạnh bão số 3 là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp, khó lường, Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, tập trung toàn lực ở cấp độ cao nhất với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão trong ngày 7 và 8/9 (cao điểm là đêm 7 và rạng sáng 8/9) và có thể hoàn lưu sau bão một số ngày tiếp theo, Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức trực ban, nắm chắc tình hình, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó cụ thể sát với diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền. Mở ngay chuyên mục cập nhật tình hình mưa bão, tập trung cao độ cho việc cập nhật tin tức, tình hình bão để người dân nắm được mức độ nguy hiểm, chủ động phòng chống; khuyến cáo người dân ở trong nhà, tuyệt đối không đến gần các vị trí hồ, đầm, công trình thủy lợi.
Chủ tịch UBND Tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, tập trung toàn lực ở cấp độ cao nhất ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hồ, đập, hệ thống đê điều, nhất là các hồ, vị trí đê xung yếu, công trình thủy lợi đang thi công; chỉ đạo các Công ty TNHH MTV Thủy lợi kiểm tra hệ thống hồ, đập, các luồng tiêu, trục tiêu, hệ thống điều tiết và tổ chức nạo vét, tháo dỡ các vật cản, khơi thông những điểm có thể gây ách tắc dòng chảy; kiểm tra các hệ thống trạm bơm tiêu, các điều tiết, cửa van, máy đóng mở… bảo đảm công trình sẵn sàng vận hành ngay khi cần thiết; đôn đốc việc vận hành các công trình bơm tiêu nước đệm ứng phó với ảnh hưởng mưa lũ, nhất là với trạm bơm hồ Đại Lải; cung cấp, cập nhật thường xuyên thông tin tình hình đường đi của bão và có báo cáo nhanh để lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo; cung cấp thông tin các điểm ngập úng để người dân biết.
Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn, các bến đò, đường dân sinh qua suối; chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các huyện, thành phố chuẩn bị bố trí máy móc, phương tiện, vật liệu theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng khắc phục khi có sự cố.
Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Vĩnh Phúc tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, rà soát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống truyền tải điện trên địa bàn Tỉnh; chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố điện trong điều kiện thời tiết phức tạp; ưu tiên bảo đảm cấp điện cho các trạm bơm tiêu, hệ thống điện các hồ có cửa van: như Đại Lải, Thanh Lanh, Xạ Hương; chỉ ngừng cung cấp điện khi cần thiết.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh đôn đốc, hướng dẫn kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động ứng trực phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt chú ý an toàn về điện, khi cần ứng cứu phải kịp thời báo cáo cơ quan chức năng.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo sẵn sàng công tác bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ của UBND Tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tỉnh trong mọi tình huống. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động sẵn sàng phương án triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm... do bão, mưa, lũ gây ra; xây dựng phương án xử lý cứu hộ người dân bị thương.
Đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, Chủ tịch Trần Duy Đông yêu cầu chủ động thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ"; bảo đảm sẵn sàng ứng phó với bão số 3 và chủ động phương án sau mưa lũ; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, đôn đốc công tác ứng trực cấp huyện, cấp xã, đặc biệt tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ thiệt hại...
Cùng với đó, tăng cường công tác trực ban, báo cáo kịp thời mọi diễn biến về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tăng cường tần suất phát thanh của loa phát thanh, cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài, tuyệt đối không ở gần các công trình thủy lợi, hồ, đập có nguy cơ mất an toàn...; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; có phương án kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, tuyệt đối không cho nhân dân lưu thông qua các điểm ngập úng, các ngầm tràn…
Vĩnh Phúc tập trung toàn lực chuẩn bị sẵn sàng cho các kịch bản phòng chống thiên tai ở mức độ cao nhất. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Đồng thời, rà soát, cập nhật các kịch bản phòng chống thiên tai ở mức độ cao nhất; chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão, phương tiện cứu hộ; tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý, đặc biệt là các hồ chứa nước nhỏ, hiện đang xuống cấp; khẩn trương thu dọn cây xanh bị đổ gãy, biển quản cáo ngay sau khi bão qua để bảo đảm giao thông thông tuyến; chuẩn bị sẵn sàng phương án bảo đảm chỗ ở cho người dân do ảnh hưởng bão bị mất nhà ở; phối hợp ngành Điện lực bảo đảm an toàn điện.
Ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3 của các cấp, ngành, địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung toàn lực ở cấp độ cao nhất với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp, không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản; thực hiện nghiêm túc công tác ứng phó với bão số 3 theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, cũng như tình hình thực tiễn của địa phương; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; tăng cường công tác tuyên truyền về diễn biến, hướng đi, ảnh hưởng của bão để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là.
Tại các vị trí xung yếu, có nguy ngập sâu, sạt lở, lũ quét, chủ động các phương án phòng ngừa, ứng phó trong mọi tình huống, sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quân đội chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ địa phương ứng phó với bão.
Sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp
Trước đó, trưa 7/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và Trạm bơm tiêu Kim Xá, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Để chủ động ứng phó bão số 3 (bão Yagi), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên chỉ đạo Công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên và Tam Đảo xả tràn nước hồ Đại Lải xuống Cote +20,00 m để đón lũ; hồ Thanh Lanh xuống Cote +75,00 m để chủ động ứng phó bão số 3 với lưu lượng xả từ 20 - 100 m3/s tùy theo diễn biến tình hình mưa, lũ.
Ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 3 của các cấp, ngành, địa phương liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông nhấn mạnh, bão số 3 là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây, sẽ gây ra đợt mưa rất lớn với lượng mưa phổ biến từ 100 - 350 mm, có nơi trên 500 mm, tập trung vào ngày và đêm nay.
Trước diễn biến bất thường, khó lường của cơn bão, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.
Mực nước hồ Thanh Lanh tính đến 11h sáng 7/9 ở cao trình Cote +75,1m và đang tiếp tục dâng lên do nước lũ dồn về. Ảnh: Vĩnh Phúc |
Sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó bão số 3; bố trí nhân lực, tổ chức trực ban nghiêm (24/24h) trong thời gian có mưa lũ; đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến, hướng đi, ảnh hưởng của bão để nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở, những đoạn đê xung yếu, phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, lập rào chắn; bố trí lực lượng để thực hiện công tác ứng trực 24/24h, hướng dẫn giao thông.
Đặc biệt phải xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống để không bị động, bất ngờ khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng huy động các lực lượng vào cuộc khi cần thiết; phải có phương án, chủ động nhân lực, phương tiện, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố do bão số 3 gây ra.
Đối với các công ty TNHH MTV thủy lợi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, 2 công ty TNHH MTV thủy lợi Phúc Yên và Tam Đảo nói riêng, Chủ tịch Trần Duy Đông yêu cầu kiểm tra, rà soát 24/24h, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra./.
Bình luận