Xu hướng xanh hóa của người dân trong tiêu dùng hàng ngày

Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao.

Theo đó, ngày 25/9/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Chính vì vậy, trong nhận thức của người dân hiện nay, xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng đã trở thành một xu hướng trong cuộc sống hàng ngày.

Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường và phát triển bền vững.

Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng

Dưới sự chỉ đạo của các bộ, ban, ngành cùng sự tích cực của các doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thời gian qua, sự chỉ đạo của các bộ, ngành và sự tích cực của các doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi ni lông sinh thái, 3R (tiết giảm - tái sử dụng - tái chế).

Tại hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội, các sản phẩm dùng một lần, như khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía thay thế túi ni lông và đồ nhựa được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, rau, củ, quả được gói bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ống hút nhựa được thay bằng ống hút sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…).

Xanh hóa trong sản xuất và tiêu dùng: xu hướng bắt buộc để phát triển bền vững
Các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã áp dụng các chương trình khuyến mại tặng quà đối với các khách hàng đến mua sắm mang theo túi sử dụng nhiều lần, nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Điển hình là AEON Việt Nam đã trở thành nhà bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến "rent a bag", khách hàng có thể mượn túi môi trường trực tiếp tại các quầy thu ngân với chi phí 5.000 đồng/túi và được hoàn lại phí thuê khi trả túi tại quầy dịch vụ.

Hệ thống WinCommerce cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường bằng việc triển khai loạt giải pháp "xanh" tại hệ thống siêu thị và siêu thị mini WinMart/WinMart +. Cụ thể, WinCommerce sử dụng 100% túi ni lông tự hủy sinh học; đồng loạt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa sử dụng 1 lần bằng các vật phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động vận hành.

Việc thay thế túi ni lông khó phân hủy trong hoạt động kinh doanh cũng được các hệ thống siêu thị, như Co.opmart, MM Mega Market, Vincom... triển khai đồng loạt.

Song, sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam vẫn còn chừng mực và khiêm tốn. Các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Cần thêm những trợ lực từ phía Nhà nước

Trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi ngày càng cao, cần có những giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vấn đề này, qua đó đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục chung tay thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cụ thể là những giải pháp về cơ chế, chính sách; ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sản xuất xanh và sạch cần một nguồn vốn dài hạn và ổn định. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Đặc biệt, Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích và ưu tiên những đơn vị sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững; đồng bộ hóa những chính sách ưu tiên.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; tạo môi trường thuận lợi để kết nối đầu tư, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp tiềm năng với mạng lưới chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc tế..

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng); huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm…/.